Chi bộ Đảng ở Đồng Tháp - “địa chỉ đỏ” về giáo dục lịch sử
Đồng Tháp - Năm 1930, Chi bộ Đảng Cộng sản được thành lập tại Đồng Tháp trên cơ sở Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng tỉnh Cần Thơ.
Vùng đất cách mạng tiên phong
Xã Phong Hòa thuộc huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, trước đây là làng Phong Hòa của quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ (nay là TP Cần Thơ), được biết đến như vùng đất cách mạng tiên phong.
Năm 1925, sau khi Nguyễn Ái Quốc sáng lập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên nhằm thu hút thanh niên yêu nước tham gia và truyền bá tư tưởng cách mạng tiến bộ vào Việt Nam thì Phong Hòa đã tiên phong tiếp nhận làn sóng cách mạng này.
Ngay năm 1926, ông Trần Kim Giáp - một thanh niên yêu nước ở Phong Hòa - đến quận Ô Môn (Cần Thơ) liên hệ với các nhân tố yêu nước rồi trở về phát động, gây dựng phong trào cách mạng ở địa phương.
Sau khi được nhà cách mạng Châu Văn Liêm (1902-1930) giác ngộ, kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, ông Giáp được tổ chức phân công hoạt động ở Thới Lai (quận Ô Môn), đồng thời thường xuyên về Phong Hòa để giáo dục lòng yêu nước cho thanh niên, học sinh và nhân dân lao động.
Sau khi tổ chức An Nam Cộng sản Đảng thành lập ở Nam Kỳ ngày 7.11.1929, đến ngày 29.11.1929, Phong Hòa là một trong số ít Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng đầu tiên của tỉnh Cần Thơ được thành lập. Đây là tiền đề, là cơ sở quan trọng để ngay năm 1930 Phong Hòa thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Cần Thơ, ngay sau khi Đảng Cộng sản được thành lập vào ngày 3.2.1930.
Dẫn dắt và tri ân
Sự ra đời sớm của tổ chức Đảng ở Phong Hòa được xem là bước ngoặt lịch sử trọng đại, một dấu ấn quan trọng trong tiến trình lịch sử địa phương. Bởi không chỉ làm tiền đề cho việc lãnh, chỉ đạo đường lối cách mạng ở vùng ven sông Hậu (lúc đó thuộc quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ) mà còn lan rộng khắp vùng Lai Vung và tỉnh Sa Đéc thời bấy giờ.
Hơn thế nữa, nó còn chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo, mở ra chương mới trong lịch sử dân tộc.
Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng Cộng sản, phong trào cách mạng ở địa phương có điều kiện phát triển vững chắc hơn, góp phần lãnh đạo các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai đến ngày toàn thắng.
Chỉ riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chi bộ đã lãnh đạo nhân dân và lực lượng vũ trang xã nhà phối hợp cùng lực lượng cấp trên tổ chức đánh địch hơn 990 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 2.897 tên, thu hàng chục tấn súng đạn, quân trang, quân dụng…
Với thành tích to lớn, ngày 22.8.1989 Đảng bộ và nhân dân xã Phong Hòa được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Để ghi dấu ấn lịch sử tiêu biểu, Đảng, chính quyền và nhân dân đã chung tay xây dựng tượng đài tại ấp Tân Lợi, xã Phong Hòa, huyện Lai Vung. Ngày 28.3.2002 UBND tỉnh Đồng Tháp quyết định xếp hạng nơi đây là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Đây là một công trình văn hóa lịch sử cách mạng có quy mô lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà Nước, sự nỗ lực, cố gắng của các cấp các ngành và ý nguyện của nhân dân Lai Vung. Ngày nay, nơi đây là một trong những “địa chỉ đỏ” về giáo dục lịch sử địa phương.
https://laodong.vn/thoi-su/chi-bo-dang-o-dong-thap-dia-chi-do-ve-giao-duc-lich-su-1457228.ldo
THANH MAI (BÁO LAO ĐỘNG)