Thời sự
Cập nhật lúc 07:42 01/02/2025 (GMT+7)
Chế biến sâu - chìa khóa đưa nông sản Đắk Lắk xuất ngoại

Đắk Lắk - Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, cơ quan chức năng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh vào chế biến sâu.

Chế biến sâu - chìa khóa đưa nông sản Đắk Lắk xuất ngoại
Một xe container chuẩn bị đưa cà phê ở tỉnh Đắk Lắk ra cảng biển để xuất khẩu sang thị trường Trung Đông. Ảnh: Bảo Trung

Xuất khẩu trên đà tăng trưởng

Theo Sở Công Thương Đắk Lắk, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 1,8 tỉ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ 2023, dẫn đầu khu vực Tây Nguyên.

Trong đó, sản lượng xuất khẩu gồm 241.000 tấn cà phê, 40.000 tấn tiêu, 46.500 tấn điều. Giá xuất khẩu bình quân: tiêu 5.000 USD/tấn, cà phê 3.600 USD/tấn, điều 5.200 USD/tấn.

Cà phê vẫn là mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Bảo Trung
Cà phê vẫn là mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Bảo Trung

Ông Lưu Văn Khôi - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk - thông tin, năm 2024, hoạt động xuất khẩu tại địa phương có nhiều bứt phá, nguyên nhân là do giá cả một số mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt mức khá cao.

Theo ông Khôi, đây lần đầu tiên tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu chính ngạch cà phê, hạt mắc ca vào các thị trường Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Những thị trường này có yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn nhập khẩu.

Năm 2025, ngành Công Thương tỉnh phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 triệu USD.

Năm 2024, hoạt động xuất khẩu nông sản ở tỉnh Đắk Lắk có sự tăng trưởng khả quan. Ảnh: Bảo Trung
Năm 2024, hoạt động xuất khẩu nông sản ở tỉnh Đắk Lắk có sự tăng trưởng ấn tượng. Ảnh: Bảo Trung

Chìa khóa để xuất khẩu bền vững

Theo tìm hiểu, các doanh nghiệp ở địa bàn tỉnh Đắk Lắk phần lớn đang tập trung sản xuất thô, bán thô nông sản.

Quá trình chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp chỉ mới đạt 15% so với tổng giá trị sản phẩm nên chưa đạt như kỳ vọng.

Anh Nguyễn Đình Viên - Giám đốc Công ty TNHH PM Coffee (tỉnh Đắk Lắk) cho hay, ngoài việc xuất khẩu cà phê thô sang thị trường Trung Đông, đơn vị đang nghiên cứu chế biến vỏ trà, rượu vang từ cà phê... Đây đều là những sản phẩm chế biến sâu đòi hỏi phải đầu tư trang thiết bị tốn kém.

"Doanh nghiệp đã tốn nhiều tỉ đồng để quyết tâm làm rượu vang cà phê và may mắn đã được thị trường Nhật Bản đánh giá tích cực" - anh Viên cho biết.

Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk nhận định: "Địa phương có lợi thế về sản xuất nông sản phong phú. Trong đó, cà phê và sầu riêng có tiềm năng lớn trong việc áp dụng các phương thức chế biến sâu để nâng cao giá trị".

Nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư vào chế biến sâu để cải thiện chất lượng nông sản. Ảnh: Bảo Trung
Nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư vào chế biến sâu để cải thiện chất lượng nông sản. Ảnh: Bảo Trung

Theo ông Dương, việc triển khai các dự án chế biến sâu nông sản sẽ giúp kết nối chặt chẽ với vùng nguyên liệu, tạo ra thêm nhiều việc làm. Từ đó, cải thiện thu nhập cho người lao động, giảm thiểu thất nghiệp và mở cơ hội phát triển các ngành phụ trợ.

Hơn nữa, chế biến sâu nông sản còn giúp tăng cường sức cạnh tranh cho sản phẩm của tỉnh. Những sản phẩm đã qua chế biến, mang tính đặc trưng cao giúp tăng cơ hội chiếm lĩnh thị trường và tạo dựng được thương hiệu.

"Khi sản phẩm nông sản đáp ứng nhu cầu về cả lượng lẫn chất thì giá trị gia tăng sẽ đạt mức độ tối đa, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu của địa phương" - ông Dương nói thêm.

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, năm 2025, địa phương sẽ tập trung thu hút đầu tư 36 dự án trọng điểm. Trong số đó, có 8 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp và chế biến các sản phẩm nông nghiệp.

Đơn cử như, dự án nhà máy chế biến các sản phẩm đông lạnh, đóng hộp xuất khẩu bơ, sầu riêng, mít... ở huyện Ea H'leo có tổng mức đầu tư khoảng 50 tỉ đồng.

Dự án này khi đi vào hoạt động sẽ cho ra đời mỗi năm từ 10.000 đến 20.000 tấn thành phẩm các loại nông sản.

https://laodong.vn/kinh-doanh/che-bien-sau-chia-khoa-dua-nong-san-dak-lak-xuat-ngoai-1456713.ldo

BẢO TRUNG (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: