Căn cứ sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn tiếp theo
Sơ kết việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025; nâng cao công tác quy hoạch là căn cứ thực hiện sắp xếp trong giai đoạn tiếp theo.
Sẽ tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong thời gian tới. Ảnh minh họa: Phạm Đông
Ngày 19.2, theo thông tin từ Bộ Nội vụ, tính đến thời điểm hiện nay, đã có 51/63 tỉnh, thành phố được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) giai đoạn 2023-2025.
Có 3 địa phương Bình Phước, Điện Biên, Lai Châu chưa thực hiện được do không đủ tiêu chuẩn, điều kiện.
Việc thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 đã được triển khai tích cực, bảo đảm tiến độ để các địa phương có thời gian triển khai các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp ĐVHC.
Việc này cũng giúp chuẩn bị tốt công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 và bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.
Một số địa phương đã quyết liệt trong triển khai thực hiện, tiến hành sắp xếp số lượng lớn các ĐVHC thuộc diện sắp xếp và sắp xếp thêm đối với các ĐVHC thuộc diện khuyến khích.
Một số địa phương đã xây dựng phương án thực hiện sắp xếp, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp phải một số khó khăn nên phải đề nghị chưa thực hiện sắp xếp hoặc phải để lại một số ĐVHC chưa thể sắp xếp.
Có thể kể đến như tỉnh Lai Châu đã xây dựng phương án tổng thể sắp xếp với 3 ĐVHC cấp huyện và 2 ĐVHC cấp xã nhưng sau đó tỉnh đề nghị chưa thực hiện sắp xếp trong giai đoạn này.
Tỉnh Phú Thọ đã xây dựng phương án tổng thể thực hiện sắp xếp với 80 ĐVHC cấp xã nhưng đến khi triển khai thực hiện, tỉnh chỉ xây dựng hồ sơ đề án sắp xếp với 30/77 ĐVHC cấp xã, đề nghị không thực hiện sắp xếp với 7 đơn vị do có yếu tố đặc thù và chưa thực hiện sắp xếp đối với 40 ĐVHC đơn vị.
Tỉnh Quảng Bình để lại 6 ĐVHC cấp xã chưa sắp xếp do chưa nhận được sự đồng thuận của cử tri trên địa bàn.
Ngày 22.8.2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 50/2024/UBTVQH15 quy định một số nội dung liên quan đến việc bảo đảm yêu cầu phân loại đô thị và tiêu chuẩn của ĐVHC để thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Nghị quyết này đã tháo gỡ một số vướng mắc liên quan đến rà soát, đánh giá, phân loại đô thị để bảo đảm tiến độ thực hiện sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023-2025.
Đến nay, một số địa phương vẫn chưa thể hoàn thành các thủ tục liên quan đến quy hoạch đô thị, phân loại đô thị và đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị nên phải đưa ra khỏi phương án sắp xếp đối với một số ĐVHC đô thị như ở các tỉnh Lạng Sơn, Yên Bái, Thái Nguyên….
Có địa phương như tỉnh Điện Biên, Bình Phước đã xây dựng phương án sắp xếp nhưng chưa bảo đảm quy định về quy hoạch và phân loại đô thị nên đến nay chưa thể thực hiện phương án sắp xếp trong năm 2024.
Bộ Nội vụ cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư và giải quyết trụ sở công dôi dư sau sắp xếp ĐVHC của các địa phương.
Đồng thời sẽ tổ chức sơ kết việc thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025; nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch đô thị.
Đồng thời hoàn thành việc xây dựng các quy định, hướng dẫn để tổ chức thực hiện việc xây dựng quy hoạch tổng thể ĐVHC các cấp giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 làm căn cứ triển khai thực hiện sắp xếp ĐVHC trong giai đoạn tiếp theo.
https://laodong.vn/thoi-su/can-cu-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-trong-giai-doan-tiep-theo-1465377.ldo
PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)