Bộ GDĐT nêu giải pháp quản lý hiệu quả việc dạy thêm
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đưa ra một số giải pháp để quản lý hiệu quả việc dạy thêm, học thêm.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, Thông tư 29 đưa dạy thêm vào khuôn khổ chứ không cấm. Ảnh: Bộ GDĐT
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành Thông tư số 29 quy định về dạy thêm, học thêm với nhiều điểm mới, quy định rõ những hoạt động dạy thêm, học thêm nào đúng quy định; hoạt động nào không đúng để chính quyền các cấp, các tổ chức cá nhân và toàn xã hội tham gia giám sát, kiểm tra, thanh tra trong quá trình tổ chức thực hiện.
Sau khi thông tư có hiệu lực, không ít giáo viên có băn khoăn vì bị giảm thu nhập. Trong khi đó, phụ huynh cũng than phiền khi các trường học đồng loạt thông báo dừng việc dạy thêm buổi chiều ở trường.
Ngày 18.2, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng đã có một số trao đổi về việc quản lý dạy thêm, học thêm.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, khi dạy thêm, học thêm xuất hiện một vài yếu tố tiêu cực, không ít thầy cô giáo tốt cũng phải chịu mang tiếng, tổn thương, do đó quy định mới còn hướng tới “bảo vệ sự tôn nghiêm của nghề giáo". Cần nâng cao ý thức tự tôn, tự trọng của giáo viên để nói “không” với dạy thêm không đúng với quy định.
Sau khi thông tư mới về dạy thêm học thêm có hiệu lực, cũng đã xuất hiện những chiêu thức "lách" quy định. Thông tư cấm dạy thêm các môn văn hóa với học sinh tiểu học, thì giáo viên thay đổi tên gọi các môn học. Ví dụ thay vì nói dạy thêm Toán, Văn, Tiếng Anh, thì giáo viên tổ chức các lớp với tên gọi: Bồi dưỡng kỹ năng tư duy lôgic, kỹ năng tư duy ngôn ngữ hay lớp luyện chữ...
Trước những thực tế này, để quản lý tốt hơn việc dạy thêm học thêm, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đưa ra một số giải pháp.
Thứ nhất, Bộ GDĐT sẽ ban hành các quy định cụ thể để quản lý việc dạy thêm, học thêm.
Thứ hai, về giải pháp chuyên môn, Bộ sẽ nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy của giáo viên, trách nhiệm của nhà giáo; phát huy năng lực tự học của học sinh; đổi mới công tác kiểm tra đánh giá (kiểm tra, đánh giá, thi tuyển sinh phải phù hợp với nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; không ra đề ngoài nội dung chương trình để đảm bảo học sinh học theo đúng chương trình, không cần học thêm vẫn sẽ vượt qua các kì kiểm tra, tuyển sinh); tăng cường liên thông giữa giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.
Thứ ba, giải pháp về tăng cường cơ sở vật chất, trường học: Cần có đủ trường học để đảm bảo công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục của học sinh; tăng số trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày.
Thứ tư, giải pháp về tăng cường kiểm tra, giám sát: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước cả ở trung ương và địa phương việc chấp hành quy định về quản lý dạy thêm, học thêm; tăng cường sự giám sát của các bậc phụ huynh và toàn xã hội đối với hoạt động này.
Thứ năm, giải pháp về truyền thông: Tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tự trọng của giáo viên để nói “không” với dạy thêm không đúng với quy định; vận động phụ huynh đồng thuận, ủng hộ các giải pháp quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm nhằm đảm bảo quyền lợi và sự phát triển toàn diện của học sinh.
Ngoài ra, để đảm bảo đời sống cho nhà giáo, thời gian qua, Bộ GDĐT đã có nhiều tham mưu và đang tiếp tục tham mưu về các chính sách cho nhà giáo, trong đó dự án Luật Nhà giáo, nếu được Quốc hội thông qua trong thời gian tới, sẽ mang lại những chính sách đãi ngộ tích cực cho nhà giáo.
https://laodong.vn/giao-duc/bo-gddt-neu-giai-phap-quan-ly-hieu-qua-viec-day-them-1465164.ldo
Trang Hà (BÁO LAO ĐỘNG)