Ra mắt Trung tâm Tư vấn pháp luật và hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội
Sáng 6/10, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức Lễ ra mắt Trung tâm Tư vấn pháp luật và hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội. Đồng chí Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.
Tại đây, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã công bố Quyết định số 3548-QĐ/TU của Thành ủy Hà Nội về việc đổi tên Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội thành Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội. Theo Quyết định, đồng chí Vũ Thị Hương được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội; các đồng chí: Hà Văn Cường, Nguyễn Thị Yến được bổ nhiệm là Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội.
Báo cáo kết quả hoạt động của Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội và quá trình xây dựng Đề án phát triển thành Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội, đồng chí Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội cho biết: Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 550/QĐ-LĐLĐ ngày 13/12/2004 của Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội. Từ khi thành lập tới nay, hoạt động của Trung tâm đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Nổi bật Trung tâm thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các ban ngành liên quan và các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cho đoàn viên, người lao động ngay tại cơ sở.

Đồng chí Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam và Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội trao Quyết định thành lập Trung tâm
Cùng với tuyên truyền, tư vấn pháp luật lưu động tại cơ sở, Trung tâm cũng thực hiện tốt việc tư vấn pháp luật cho người lao động tại trụ sở với nhiều hình thức đa dạng như: tư vấn trực tiếp, tư vấn qua hộp thư điện tử, điện thoại… Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp tư vấn giải quyết các tranh chấp lao động tại cơ sở; tư vấn tham gia xây dựng nội quy lao động đối với đơn vị doanh nghiệp chưa có Công đoàn cơ sở; xây dựng quy chế dân chủ tại cơ sở; hỗ trợ tổ chức 25 cuộc đối thoại giữa Công đoàn, công nhân lao động và người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp về những quy định của pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các chính sách pháp luật liên quan đến quyền lợi của người lao động…
Ngoài tuyên truyền, tư vấn, giải đáp pháp luật, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội cũng đã nỗ lực, cố gắng và bước đầu thực hiện tốt việc hỗ trợ pháp lý, đại diện bảo vệ người lao động tại Tòa án. Theo đó, Trung tâm đã đại diện người lao động khởi kiện tranh chấp lao động cá nhân cho 38 người lao động về đòi nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội và bồi thường tranh chấp về chấm dứt hợp đồng lao động với số tiền bồi thường 1,45 tỷ đồng.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng và thực thi hàng loạt Hiệp định tự do thế hệ mới, một trong những thách thức mà tổ chức Công đoàn phải đối mặt là sự xuất hiện cạnh tranh của tổ chức đại diện người lao động khác sẽ được thành lập trong doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi Công đoàn các cấp phải đổi mới, hướng vào việc thực hiện hiệu quả chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Mặt khác, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có khoảng 2,5 triệu lao động thuộc các thành phần kinh tế. Tính riêng trong khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động có khoảng 170.000 lao động, chủ yếu là lực lượng lao động ngoại tỉnh. Vấn đề an ninh trật tự, nhà ở, nhà trẻ, việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ công nhân lao động là nhu cầu đòi hỏi bức thiết của người lao động.
Thực trạng trên đặt ra cho tổ chức Công đoàn thành phố cần có giải pháp đáp ứng những nhu cầu đó của đoàn viên, người lao động một cách cụ thể, thiết thực trong đó có tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý…
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới; dưới sự chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội đã xây dựng Đề án phát triển Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội, thành Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội.
Đây là chủ trương hết sức đúng đắn, cần thiết và kịp thời, phù hợp với các chủ trương, nghị quyết của Đảng, tổ chức Công đoàn, nhất là Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
.jpg)
Phát biểu tại Lễ ra mắt, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh nhấn mạnh, trong bối cảnh thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ đẹ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng nhiều hiệp định thương mại tự ho do thế hệ mới mà Việt Nam đã và đang ký kết, thực hiện. Dự báo tương lai gần sẽ xuất hiện tổ chức đại diện người lao động khác, cạnh tranh trực tiếp với tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Mặt khác, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có khoảng 2,5 triệu lao động thuộc các thành phần kinh tế. Chỉ tính riêng trong khu công nghiệp, khu chế xuất đi vào hoạt động đã có khoảng 170.000 lao động, chủ yếu là lực lượng lao động ngoại tỉnh... nhiều vấn đề đặt ra như: an ninh trật tự, nhà ở, nhà trẻ, việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ công nhân lao động cùng nhiều nhu cầu, đòi hỏi thiết yếu của người lao động... đòi hỏi các cấp Công đoàn phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, từng bước đáp ứng yêu cầu chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Dịp này, LĐLĐ Thành phố trao sổ tiết kiệm hỗ trợ cho 2 CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn (mỗi sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng); trao 30 suất quà (trị giá 1 triệu đồng/suất, và quà trị giá 350 nghìn đồng/suất) cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn và tổ chức khám sức khỏe cho 100 công nhân lao động.
NGỌC AN