Góp ý dự thảo nghị định quy chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022
Việc khen thưởng phải đúng người, đúng việc để trở thành động lực phấn đấu của mỗi cá nhân.

Chiều ngày 27/3/2023, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 dưới sự chủ trì của các ông: Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN, Phạm Huy Giang – Uỷ viên Thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
Dự Hội thảo còn có Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã Hội Lê Tấn Dũng cùng đại diện lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập nhóm 2.
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN đề nghị các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến vào các nội dung trong Dự thảo Nghị định liên quan đến việc cụ thể hóa đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng đối với cá nhân; Quy định chức danh tương đương, thời gian khen thưởng quá trình cống hiến; Tiêu chuẩn “được giải thưởng cao của thế giới”, “được giải thưởng quốc tế cao nhất của khu vực”, “được giải thưởng quốc tế cao của khu vực” đối với Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Khen thưởng cá nhân có quá trình cống hiến; Quy định thủ tục hồ sơ; Quy định thực hiện hiệp y khen; Quy định về tuyến trình khen thưởng; Quy định về tỷ lệ tặng Cờ Thi đua của Chính phủ…
.jpg)
Ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN báo cáo đề dẫn Hội thảo. Ảnh: Tạp chí Lao động & Công đoàn
Trao đổi tại Hội thảo, nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng, đúng người, đúng thành tích, đúng hình thức để thi đua khen thưởng thực sự trở thành động lực phấn đấu của các tập thể, cá nhân. Do đó cần mở rộng đối tượng và hình thức khen thưởng. Ngoài cờ khen thành tích nội trội thì cần có thêm khen chuyên đề. Đồng thời, cần căn cứ vào tính chất nghề nghiệp, tổ chức biên chế, số lượng hội viên để có tỷ lệ đáp ứng yêu cầu. Song song với đó, việc các quy trình, thủ tục, hồ sơ khen thưởng phải chặt chẽ. Bên cạnh những ý kiến đồng tình, đại diện các cơ quan ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội cũng đưa ra nhiều ý kiến góp ý những nội dung chưa hợp lý.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất 02 vấn đề trọng tâm cần xem xét, giải quyết là thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng quá trình cống hiến đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; rà soát toàn bộ quy định của Luật Thi đua, khen thưởng và dự thảo Nghị định để bảo đảm khắc phục toàn diện, tối đa các khoảng cách về giới, nhất là các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ.
Ông Phạm Huy Giang - Ủy viên Thường trực Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thường trực Ban Soạn thảo cũng nhấn mạnh sự cần thiết của dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng. Đồng chí cũng cho biết, Luật Thi đua, khen thưởng được thông qua gần 1 năm nay, đang trong lộ trình đưa vào thực tiễn và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023. Những nội dung được đưa ra trao đổi tại Hội thảo này mang tính phản biện cao, góp phần hoàn thiện, đưa Luật Thi đua, khen thưởng vào cuộc sống một cách nhanh nhất.
Thông qua các ý kiến góp ý tại Hội nghị, ông Trần Thanh Hải đề nghị các thành viên chung trong nhóm 2 làm tốt trách nhiệm, rà lại các ý kiến trong các Nghị định này, trên cơ sở đó làm báo cáo tổng kết hoàn chỉnh về các vấn đề được đưa ra.
NGỌC TÚ