Anh Quang Đức Việt làm việc tại Công ty TNHH Denyo Việt Nam. Theo anh Việt, sự ghi nhận của doanh nghiệp là đòn bẩy quan trọng nhất để người lao động học tập, phấn đấu. Ảnh: Quỳnh Chi
Tạo điều kiện hết mức cho lao động sáng tạo
Anh Bùi Trung Kiên hiện đang là kỹ sư bộ phận tự động hóa, làm việc cho một công ty chuyên về công nghiệp phụ trợ đóng tại quận Hà Đông (Hà Nội).
Gắn bó với doanh nghiệp hơn 10 năm, anh Kiên cho biết anh được ông chủ - cũng là tiền bối cùng học Đại học Bách khoa Hà Nội - tạo điều kiện hết mức để thỏa sức sáng tạo trong công việc.
“Thậm chí, từ năm 2020, mỗi năm tôi được công ty cho phép sử dụng nguồn quỹ tối đa 300 triệu đồng để thử nghiệm, ứng dụng những sáng kiến mới trong công việc. Đương nhiên để được sử dụng số tiền này, tôi phải có đề án, kế hoạch cụ thể. Từ năm 2020, chỉ 1 năm tôi thử nghiệm kế hoạch sản xuất mới không thành công, 3 năm còn lại đều có kết quả tốt. Kế hoạch năm 2025, chúng tôi sẽ triển khai thử nghiệm sáng kiến vào tháng 7”, anh Kiên cho biết.
Theo anh Kiên, đối với người lao động, sự động viên, khích lệ và tạo điều kiện của chủ doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. “Nếu không có sự đồng hành, khích lệ bằng cả vật chất và tinh thần, tôi tin đa số lao động chỉ mong xong việc rồi về nhà, không muốn cống hiến thêm, làm thêm giờ. Ông chủ của tôi hơn tôi 6 tuổi, ngoài công việc, chúng tôi coi nhau như anh em thân thiết. Tôi có thể thoải mái chia sẻ những ý tưởng mới, kế hoạch công việc mới. Chính giám đốc cũng góp ý lại cho tôi nhiều ý kiến quan trọng, giúp tôi điều chỉnh ý tưởng, sáng kiến của mình tốt hơn”, anh Kiên nói.
Sự ghi nhận của doanh nghiệp – đòn bẩy quan trọng nhất
Anh Quang Đức Việt, sinh năm 1988 hiện là trợ lý Trưởng bộ phận quản lý chất lượng - Công ty TNHH Denyo Việt Nam (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Nhờ phấn đấu không ngừng, anh Việt từ công nhân trực tiếp sản xuất đã có vị trí trong doanh nghiệp 100% vốn FDI.
Vào công ty Denyo làm việc từ tháng 3.2012, khó khăn lớn nhất đối với người lao động (NLĐ), theo anh Việt chính là việc vận dụng lý thuyết vào thực tế. Về thuận lợi, anh luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của cấp trên, tinh thần làm việc nhóm trong doanh nghiệp cũng rất tốt. “Chưa kể, công đoàn cơ sở cũng kịp thời lắng nghe, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của NLĐ và có sự trao đổi kịp thời với lãnh đạo doanh nghiệp nên chúng tôi càng vững tâm”, anh Việt nói.
Chị Nguyễn Thị Cúc (sinh năm 1987) gia nhập Công ty TNHH Điện tử Canon Việt Nam (Hưng Yên) năm 2014 với vai trò công nhân lắp ráp, hiện chị là nhân viên lập trình bộ phận tự động hóa.
Theo chị Cúc, đối với người lao động, sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo công ty luôn là động lực to lớn và là bệ đỡ để mỗi người phấn đấu; động lực đó cũng giúp lao động quyết tâm không phụ tâm huyết và niềm tin của lãnh đạo.
“Đối với lao động trẻ, sự quan tâm của công đoàn và lãnh đạo công ty là vô cùng quý giá. Chúng tôi có cơ hội học tập nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt trong doanh nghiệp FDI, nỗ lực này giúp thu hẹp khoảng cách giữa lao động Việt Nam và lao động nước ngoài. Gắn bó với công ty 11 năm, chứng kiến hàng chục nhân sự được công ty tạo điều kiện đào tạo, học tập để phấn đấu từ lao động phổ thông lên trưởng phòng, tôi càng thấy yêu nơi mình gắn bó”, chị Nguyễn Thị Cúc cho hay.
https://laodong.vn/cong-doan/thanh-qua-khi-doanh-nghiep-dong-hanh-cung-lao-dong-1505262.ldo