Sau Tết, nhiều lao động tại Điện Biên chật vật tìm việc làm. Ảnh: Trung Đức.
Lên mạng xã hội tìm việc làm
Lần theo thông tin từ một nhóm chia sẻ, tìm kiếm việc làm, trao đổi với PV Báo Lao Động, chị Lò Thị Dinh (19 tuổi, xã Thanh Minh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) - cho biết: “Sau Tết, tôi quyết định tìm một công việc ổn định hơn. Tôi thường xuyên lên mạng để tìm kiếm thông tin và ứng tuyển, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được công việc phù hợp”.
Chị Quàng Thị Hiền (27 tuổi, phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ) - cho rằng, ở Điện Biên, mức lương lao động phổ thông trung bình là thấp, trong khi chi phí sinh hoạt tại thành phố không hề rẻ. “Tôi mong muốn tìm được một công việc ổn định, nhưng đến giờ vẫn chưa có kết quả. Đôi lúc tôi nghĩ đến việc di chuyển xuống các tỉnh dưới để làm công nhân” - chị Hiền nói.
Theo tìm hiểu của PV, sau Tết nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động thông qua các trang mạng xã hội tăng cao. Các hội nhóm như “Việc làm tại Điện Biên”, “Tìm việc làm nhanh Lai Châu”... thu hút hàng nghìn thành viên tham gia.
Người lao động tìm việc làm trên các trang mạng xã hội tăng cao.
Người lao động cần cảnh giác với lừa đảo
Việc tìm kiếm việc làm là nhu cầu chính đáng của người lao động, tuy nhiên, cần hết sức cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo xuất hiện trên không gian mạng. Nhiều đối tượng đã lợi dụng các phương thức tuyển dụng với những lời mời chào hấp dẫn như “việc nhẹ lương cao”.
Người lao động cần thận trọng khi tìm kiếm việc làm qua mạng.
Vào cuối tháng 12.2024, lực lượng chức năng tỉnh Điện Biên tiếp nhận 11 công dân Việt Nam trong độ tuổi từ 21-40 tuổi, đã xuất cảnh trái phép sang Lào và Myanmar để tìm việc làm. Trong đó, có 8 công dân thông qua tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội hoặc từ bạn bè, người quen rủ rê, giới thiệu sang Myanmar làm.
Sang đến nơi người lao động bị các đối tượng thu giữ điện thoại và các giấy tờ cá nhân, bị cưỡng ép làm việc trong các cơ sở đánh bạc trực tuyến, lừa đảo bán hàng online. Đồng thời bị giao khoán thu về số tiền hàng ngày, nếu không đủ khoán sẽ bị đánh, phạt và bỏ đói.
Mới đây vào giữa tháng 1.2025, Công an tỉnh Lai Châu vừa khởi tố và bắt tạm giam Lò Thị Kem về hành vi mua bán người vì đã lừa bán 7 phụ nữ ra nước ngoài. Từng là gái mại dâm tại Myanmar, Kem đã quay về nước dụ dỗ những cô gái có hoàn cảnh khó khăn xuất ngoại. Thực chất, Kem đã lừa đưa những cô gái này sang Myanmar để ép buộc bán dâm.
Người dân tham gia tư vấn, định hướng nghề nghiệp tại Hội chợ việc làm TP Điện Biên Phủ năm 2025. Ảnh: Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên.
Để tránh trở thành nạn nhân của các hình thức lừa đảo này, người lao động nên chủ động liên hệ trực tiếp với các doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép hoặc các cơ quan quản lý lao động tại địa phương để được cung cấp thông tin chính xác và hỗ trợ phù hợp.
Được biết, năm 2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Điện Biên đã giới thiệu 1.573 lao động đến các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; giới thiệu 18 lao động xuất cảnh đi làm việc tại nước ngoài… toàn tỉnh cũng tạo việc làm mới cho 11.099 lao động.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên, năm 2025, phấn đấu giải quyết việc làm mới cho 9.200 lao động. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 2,5%. Tuyển mới đào tạo nghề cho 8.500 người, trong đó chia theo cấp trình độ đào tạo: cao đẳng 255 người; trung cấp 570 người; sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 7.675 người (5.420 lao động nông thôn được hỗ trợ kinh phí học nghề).
https://laodong.vn/cong-doan/sau-tet-nguoi-lao-dong-tim-viec-lam-tang-cao-1461840.ldo