Công ty Cổ phần Tấn Phát tại Kon Tum chuyên xây dựng thủy điện, chậm đóng bảo hiểm xã hội nhiều tỉ đồng của người lao động. Ảnh: THANH TUẤN
Nhiều doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội
Ngày 8.10, ông Nguyễn Tấn Sang - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Kon Tum - cho biết, theo thống kê mới nhất của đơn vị, hiện toàn tỉnh có 231 doanh nghiệp chậm đóng BHXH. Tổng số tiền chậm đóng BHXH của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động là 42,7 tỉ đồng, bằng 1,9% tổng số phải thu, cao hơn 0,84% so với kế hoạch được giao.
Một số doanh nghiệp tư nhân chậm đóng BHXH kéo dài như: Công ty TNHH BIOPHAP chậm đóng đến 33 tháng với tổng số tiền 459 triệu đồng; Công ty TNHH Đầu tư & Xây dựng HST Kon Tum chậm đóng 112 tháng với số tiền 275 triệu đồng; Công ty TNHH Công nghệ hữu cơ An Thái chậm đóng 44 tháng, số tiền 230 triệu đồng.
Có 3 doanh nghiệp đã bị thanh tra và có quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng đến nay chưa khắc phục hậu quả là Công ty Cổ phần Tấn Phát chậm đóng BHXH 56 tháng với số tiền trên 4,1 tỉ đồng; Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Môi trường DH chậm đóng 38 tháng với số tiền là 1,1 tỉ đồng và Công ty TNHH PFT chậm đóng 15 tháng, số tiền chậm đóng lên đến 704 triệu đồng. Theo thống kê của BHXH tỉnh Kon Tum, toàn tỉnh hiện có 29 đơn vị với 1.315 lao động có số tiền chậm đóng BHXH từ 3 tháng trở lên, số tiền chậm đóng là 8,2 tỉ đồng.
Linh hoạt đôn đốc thu hồi nợ
Theo ông Nguyễn Tấn Sang - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Kon Tum, hiện đơn vị đang phân loại các doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN để áp dụng các giải pháp đôn đốc phù hợp, linh hoạt.
BHXH tỉnh Kon Tum cũng công khai danh tính đơn vị nợ các loại bảo hiểm trên phương tiện thông tin đại chúng. Trong công tác chuyên môn, nhân viên của đơn vị sẽ hỗ trợ để người lao động có thể tra cứu thời gian đóng BHXH, BHYT, BHTN của bản thân.
Từ đó, giúp người lao động nắm bắt đầy đủ thông tin về việc đóng, nộp của doanh nghiệp. Qua đó, công nhân, người lao động chủ động hơn trong việc tham gia giám sát doanh nghiệp thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm.
“Việc chậm đóng các loại bảo hiểm là do có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, sản xuất. Một số doanh nghiệp chưa nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật” - ông Sang cho biết.
Trong khi đó, công nhân lao động là người bị thiệt hại do bị nợ đóng các loại bảo hiểm. Các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn, bệnh nghề nghiệp… của người lao động bị ảnh hưởng, không được thụ hưởng. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít lao động do sợ mất việc, bị chủ cho nghỉ việc nên không dám đấu tranh với chủ sử dụng lao động để đòi quyền lợi về bảo hiểm.
https://laodong.vn/cong-doan/nhieu-doanh-nghiep-o-kon-tum-no-dong-bao-hiem-xa-hoi-1405227.ldo