Trang chủCông nhân 360Quan hệ lao động
Quan hệ lao động
Cập nhật lúc 02:15 05/07/2025 (GMT+7)
Cung - cầu lao động chưa gặp nhau vì yêu cầu cao của doanh nghiệp

Lao động tìm việc, đặc biệt là lao động trẻ phần lớn chưa có kinh nghiệm, trong khi đa số doanh nghiệp lại tuyển người có chuyên môn.

Cung - cầu lao động chưa gặp nhau vì yêu cầu cao của doanh nghiệp
Nhiều doanh nghiệp tuyển dụng đòi hỏi ứng viên có kinh nghiệm, gây khó cho người lao động. Ảnh: Quỳnh Chi

Anh Hoàng Quang Hưng (phường Hà Đông, Hà Nội) tốt nghiệp loại giỏi ngành Kỹ thuật điện tử viễn thông, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông.

Ra trường giữa năm 2023, anh Hưng tự tin xin việc với tấm bằng loại giỏi, ngành học “hot”. Thế nhưng, mất gần nửa năm, đi phỏng vấn ở hàng chục doanh nghiệp, anh Hưng đều bị đánh trượt với lý do “chưa có kinh nghiệm” hoặc “chưa có nhiều kinh nghiệm”.

Anh Hưng cho hay, quá trình học tập tại trường, anh có đi thực tập và làm thêm tại một công ty về linh kiện điện tử. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng không đánh giá cao quá trình thực tập, làm thêm vì cho rằng “không đáng kể”.

“Tôi thực sự ngạc nhiên với yêu cầu sinh viên vừa ra trường phải có kinh nghiệm làm việc. Trên thực tế, kinh nghiệm nhiều nhất mà chúng tôi có thể tích lũy được chính là quá trình thực tập và làm thêm khi còn là sinh viên. Nếu doanh nghiệp nào cũng đòi hỏi kinh nghiệm thì có lẽ trong thông tin tuyển dụng lao động nên thông báo luôn là không tuyển sinh viên mới ra trường”, anh Hưng bức xúc nói.

Hiện, anh Hưng đã tìm được việc làm là kỹ thuật viên tại một trung tâm kinh doanh thiết bị điện máy. Sau 2 năm vật vã tìm việc, anh Hưng chấp nhận làm công việc hiện tại, tích lũy kinh nghiệm chờ cơ hội việc làm tốt hơn.

Chị Hoàng Thị Thúy (quê Hưng Yên) kể về quá trình ứng tuyển làm công nhân may tại Hà Nội. Năm 2024, chị Thúy theo giới thiệu của chị họ, lên Hà Nội xin làm công nhân may. Ở nhà chị họ 1 tuần, đi các khu công nghiệp của Hà Nội, chị Thúy thấy hàng chục doanh nghiệp tuyển người nhưng đa số yêu cầu “có tay nghề/kinh nghiệm tối thiểu 1 năm”.

“Tôi rất ngạc nhiên về yêu cầu này vì nghĩ mình xin việc của lao động phổ thông, công việc cũng không đòi hỏi quá cao nên sẽ được doanh nghiệp hỗ trợ hướng dẫn/đào tạo tại. Cuối cùng, tôi không xin làm công nhân may mà tìm một công việc hoàn toàn trái với dự định ban đầu: phục vụ tại quán ăn”, chị Thúy kể.

Phân tích về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội - cho rằng, đa số doanh nghiệp tuyển nhân sự đều cần người có tay nghề, chuyên môn nhất định, nhưng phần lớn lao động đang đi tìm việc lại là sinh viên mới ra trường hoặc thậm chí là lao động phổ thông chưa qua đào tạo. “Sự lệch pha giữa năng lực người lao động và yêu cầu của doanh nghiệp khiến thị trường lao động khó gặp nhau”, bà Hương nói.

Theo bà Hương, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, nhất là lao động có chuyên môn kỹ thuật đã qua đào tạo nghề và có kinh nghiệm. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung lao động qua đào tạo chưa đáp ứng đủ so với cầu của thị trường.

“Các doanh nghiệp lớn ngày càng chú trọng tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, đặc biệt là các công việc chuyên ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật... Ngoài yêu cầu về trình độ, không ít doanh nghiệp đòi hỏi lao động phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực ứng tuyển. Thực tế này gây khó cho lao động và cho chính doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Căn cứ diễn biến thị trường lao động, doanh nghiệp nên hạ chuẩn, bớt kén chọn hơn, thậm chí tính đến câu chuyện đào tạo lại cho lao động thì cung - cầu lao động mới gặp nhau”, bà Hương nêu quan điểm.

Năm 2024, các doanh nghiệp trên cả nước có nhu cầu tuyển dụng khoảng 1,9 triệu lao động, trong đó 44% lao động không qua đào tạo, 19% lao động có trình độ đại học trở lên, và khoảng 37% lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng (tương đương khoảng 700.000 người).

So với nguồn cung lao động ở trình độ này của giáo dục nghề nghiệp, thì còn thiếu khoảng 200.000 - 300.000 người.

https://laodong.vn/cong-doan/cung-cau-lao-dong-chua-gap-nhau-vi-yeu-cau-cao-cua-doanh-nghiep-1535061.ldo

QUỲNH CHI (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: