Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN) - cho biết, Chương II là một trong những chương quan trọng nhất của Luật Công đoàn 2024, quy định cụ thể các quyền, trách nhiệm theo từng lĩnh vực hoạt động của Công đoàn trên cơ sở chức năng của Công đoàn Việt Nam đã được hiến định. Trên cơ sở kế thừa quy định của Luật Công đoàn 2012 và bổ sung thêm một số quyền, trách nhiệm, Luật Công đoàn 2024 đã quy định cụ thể hơn đối với 10 nhóm quyền, trách nhiệm của Công đoàn. Đồng thời, quy định cụ thể hơn quyền, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn.
Quyền, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn trong Luật Công đoàn 2024 (Điều 21 và Điều 22) về cơ bản được kế thừa từ Luật Công đoàn 2012, có chỉnh sửa, bổ sung để đảm bảo các quyền, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn được quy định rõ ràng, cụ thể, đồng bộ và thống nhất.
Về quyền của đoàn viên công đoàn, Điều 21 có 12 khoản (tăng 5 khoản so với Luật Công đoàn 2012) quy định cụ thể quyền, nhóm quyền của đoàn viên công đoàn. Việc tăng khoản của điều này là do tách một số quyền của đoàn viên công đoàn đã được Luật Công đoàn 2012 quy định (nhưng gộp chung trong một khoản) và bổ sung mới thêm một số quyền sau: Được thụ hưởng chính sách thuê nhà ở xã hội của Tổng LĐLĐVN; được tuyên dương, khen thưởng khi có thành tích trong lao động, sản xuất và hoạt động công đoàn; quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 31 Luật Công đoàn 2024 quy định, một trong những nhiệm vụ mà tài chính công đoàn được sử dụng là: Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn và người lao động thuê; công trình văn hóa, thể thao, hạ tầng kỹ thuật có liên quan phục vụ đoàn viên công đoàn, người lao động theo quy định của pháp luật.
Đây là nhiệm vụ mà tài chính công đoàn được sử dụng được bổ sung trong Luật Công đoàn (sửa đổi) so với Luật Công đoàn 2012.
Khoản 1 Điều 29 của Luật Công đoàn (sửa đổi) quy định nguồn tài chính công đoàn bao gồm: Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động; ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ; nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Chính phủ quy định phương thức, thời hạn và nguồn đóng kinh phí công đoàn; trường hợp không đóng hoặc chậm đóng kinh phí công đoàn; nội dung ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này.
https://laodong.vn/cong-doan/nha-o-xa-hoi-va-quyen-loi-cua-doan-vien-cong-doan-1467563.ldo