Bà đọc để luôn nắm bắt được những hoạt động lớn của tổ chức công đoàn - tổ chức mà bà đã gắn bó, phục vụ trong suốt quá trình công tác của mình.
Nghỉ hưu nhưng không nghỉ đọc báo Lao Động
Bà Oanh làm Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang từ năm 2008 đến năm 2012. Quãng thời gian đó, báo giấy vẫn là loại hình báo chí phổ biến. Bà nhớ lại, khi đó, phải đến gần trưa, bưu điện mới đưa báo đến cơ quan; sau đó, bộ phận văn thư sẽ chia báo đến từng phòng ban. Tranh thủ lúc nghỉ trưa, bà dành thời gian để đọc báo.
Theo nguyên lãnh đạo của Công đoàn tỉnh Bắc Giang, Báo Lao Động có những thông tin rất hữu ích góp phần giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo của bà đối với hệ thống công đoàn trong tỉnh được tốt hơn. "Có những hoạt động ở các địa phương khác được triển khai tốt, nhưng nếu không có báo chí phản ánh thì tôi không thể biết được. Từ những bài báo trên, khi biết được các hoạt động mới này, nếu tỉnh mình chưa có, tôi có thể học tập, nghiên cứu được cách thức để triển khai", bà Oanh kể lại.
Sau khi nghỉ hưu, bà vẫn được phát báo theo chế độ dành cho nguyên lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh. Vì vậy, bà vẫn duy trì được thói quen đọc báo giấy.
"Dù nghỉ hưu và Internet, báo điện tử đã phát triển mạnh mẽ, nhưng tôi vẫn muốn đọc báo giấy. Cầm tờ báo giấy trên tay để đọc những bài viết về tổ chức mình, về công nhân lao động - đối tượng mà mình đã cả đời gắn bó - là cảm giác rất đặc biệt", nguyên lãnh đạo công đoàn tỉnh chia sẻ. Ngoài ra, bà Oanh còn đọc báo điện tử bằng điện thoại. Theo bà, mỗi loại hình báo chí có cái hay riêng, nếu khéo kết hợp sẽ bổ sung rất tốt cho nhau.
Nhờ thường xuyên đọc báo, bà vẫn nắm rất chắc các hoạt động, chủ trương, kế hoạch lớn của tổ chức công đoàn cũng như hoạt động của các cấp Công đoàn trong tỉnh.
"Trong hoạt động của một tổ chức, tiếng nói của báo chí rất quan trọng. Nếu báo chí hoạt động tốt, nêu bật những gương tập thể, cá nhân điển hình sẽ là cách rất tuyệt vời để tuyên truyền, động viên các phong trào được tốt hơn. Riêng đối với Báo Lao Động, tôi nghĩ ở bất kỳ thời kỳ nào, tờ báo không thể thiếu được trong đời sống, hoạt động của tổ chức Công đoàn", bà chia sẻ.
Con trai của bà Oanh - anh Nguyễn Quyết Chiến hiện đang là chuyên viên Ban Tuyên giáo - Nữ công (Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang). Làm ở vị trí công việc thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với phóng viên, như người mẹ của mình, anh rất trân trọng và đánh giá cao vai trò đồng hành của báo chí trong hệ thống công đoàn, nhất là Báo Lao Động.
Theo cán bộ Ban Tuyên giáo - Nữ công, qua đọc báo Lao Động, anh thấy báo đã truyền tải đầy đủ các hoạt động của hệ thống công đoàn cả nước. "Báo đã xây dựng được trang Công đoàn toàn quốc, đăng tải đa dạng các hoạt động của nhiều công đoàn địa phương, công đoàn ngành khác nhau. Có thể nói đây là "thư viện" về các hoạt động của công đoàn các cấp ở các địa phương khác nhau", anh Chiến so sánh.
"Bạn đồng hành"
Sự đồng hành giữa Báo Lao Động và cán bộ công đoàn không chỉ là nghĩa bóng, mà trong nhiều trường hợp, được hiểu theo cả nghĩa đen.
Ông Trần Trọng Thái, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Nam Định chia sẻ, thời điểm ông còn là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, ông và phóng viên Báo Lao Động đã từng đi cùng 1 chiếc xe máy xuống 1 huyện để tìm hiểu vụ việc người lao động bị nợ lương.
Sau đó, Báo Lao Động đã đăng tải vụ việc, nhờ đó vụ việc đã được giải quyết, người lao động đã được trả lương. "Tôi nhớ, khi có kết quả trên, người lao động vui, phóng viên, cán bộ công đoàn cũng hạnh phúc không kém. Sự đồng hành của phóng viên, cán bộ công đoàn - theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng - đã bảo vệ được quyền lợi chính đáng của người lao động", ông Trần Trọng Thái chia sẻ.
Ông Thái nói thêm, ông luôn đánh giá rất cao vai trò của báo chí nói chung cũng như của Báo Lao Động trong cuộc đồng hành cùng công đoàn để bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, người lao động.
"Có thể nói, thông tin trên Báo Lao Động không thể thiếu được phong trào công nhân viên chức lao động và hoạt động công đoàn của cả nước. Tôi mong Báo Lao Động cùng với tổ chức công đoàn, cán bộ công đoàn sẽ luôn đồng hành để bảo vệ tốt hơn quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động", Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Nam Định bày tỏ.
(Bài đăng trên Ấn phẩm đặc biệt Lao Động Xuân Ất Tỵ)