Hưng Yên có hơn 300.000 đoàn viên sau hợp nhất
Sắp xếp lại tổ chức Công đoàn sau sáp nhập đơn vị hành chính là bài toán không chỉ mang tính kỹ thuật, mà còn đặt ra yêu cầu giữ vững sự ổn định, niềm tin và quyền lợi của hàng chục nghìn đoàn viên, người lao động. Với tinh thần khẩn trương và chủ động, LĐLĐ tỉnh Hưng Yên đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu đó bằng những giải pháp cụ thể, linh hoạt và nhân văn.
Người lao động làm việc tại Khu công nghiệp ở huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Quỳnh Chi
Đảm bảo các hoạt động Công đoàn được duy trì
Sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính theo nghị quyết của Quốc hội, nhiều địa phương đã và đang khẩn trương tổ chức lại bộ máy công đoàn các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tại tỉnh Hưng Yên, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã chủ động kiện toàn tổ chức, phân công nhiệm vụ rõ ràng, đảm bảo các hoạt động Công đoàn được duy trì thông suốt, không để ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động.
Sau khi sáp nhập hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, tổng số công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ tỉnh Hưng Yên là 1.457 đơn vị, được hợp nhất từ 939 công đoàn cơ sở của tỉnh Hưng Yên cũ và 518 công đoàn cơ sở của tỉnh Thái Bình. Tổng số lượng đoàn viên công đoàn hiện nay là 302.127 người, gồm 155.108 đoàn viên từ Hưng Yên và 147.019 đoàn viên từ Thái Bình.
Bà Phạm Thị Thắng - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hưng Yên - cho biết: “Ngay sau khi có hướng dẫn của Tổng LĐLĐVN và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, LĐLĐ tỉnh đã tiến hành rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy Công đoàn tại các địa phương mới sáp nhập. Chúng tôi xác định rõ yêu cầu là vừa ổn định tổ chức nhanh, vừa đảm bảo giữ vững các chức năng chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động”.
Hiện nay, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các công đoàn cấp huyện (cũ) bàn giao cơ sở vật chất, tài chính, hồ sơ đoàn viên theo đúng quy trình, đồng thời thành lập các công đoàn cấp mới tương ứng với đơn vị hành chính sau sáp nhập. Trong thời gian chuyển tiếp, việc phối hợp xử lý các vụ việc liên quan đến quan hệ lao động, quyền lợi chính sách của người lao động vẫn được triển khai đồng bộ, không để xảy ra khoảng trống hoặc chậm trễ.
Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hưng Yên thông tin thêm, LĐLĐ tỉnh đã ban hành hướng dẫn tạm thời về tổ chức bộ máy và phân công nhiệm vụ cán bộ công đoàn tại các đơn vị mới.
“Chúng tôi ưu tiên giữ ổn định đội ngũ, phát huy kinh nghiệm của cán bộ công đoàn cơ sở, đồng thời điều chỉnh linh hoạt nhân sự để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ tại các địa bàn có thay đổi về địa giới hành chính. Việc sắp xếp không chỉ gọn hơn, mà còn phải mạnh hơn, chuyên nghiệp hơn để đáp ứng tình hình mới” - bà Thắng nhấn mạnh.
Giữ vững niềm tin của đoàn viên, người lao động
Công tác tuyên truyền đến đoàn viên, người lao động cũng được chú trọng. Các cấp Công đoàn tăng cường tiếp xúc, đối thoại, giải thích rõ về mô hình tổ chức mới, tạo sự đồng thuận và ổn định tư tưởng trong đoàn viên. Bên cạnh đó, các chương trình chăm lo như tặng quà, hỗ trợ khó khăn, phối hợp giám sát thực hiện chế độ BHXH, BHYT, thỏa ước lao động tập thể… vẫn được triển khai đều đặn.
LĐLĐ tỉnh Hưng Yên cũng phối hợp với các ngành chức năng theo dõi sát tình hình lao động, việc làm, tiền lương trong quá trình sáp nhập tổ chức, đơn vị. Đặc biệt lưu tâm tới các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, nơi tập trung đông công nhân và tiềm ẩn nhiều biến động.
“Ổn định tổ chức bộ máy là để phục vụ tốt hơn cho đoàn viên, chứ không chỉ là thay đổi về mặt hành chính. Với tinh thần hành động khẩn trương, trách nhiệm, chúng tôi cam kết không để bất kỳ đoàn viên nào bị ảnh hưởng quyền lợi do việc sắp xếp lại hệ thống tổ chức Công đoàn” - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh khẳng định.
Trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương sau sáp nhập, sự chủ động, linh hoạt và đồng bộ của tổ chức Công đoàn sẽ góp phần quan trọng vào ổn định quan hệ lao động, giữ vững niềm tin của đoàn viên, người lao động, đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh Hưng Yên.
https://laodong.vn/cong-doan/hung-yen-co-hon-300000-doan-vien-sau-hop-nhat-1535930.ldo
Mai Hương (BÁO LAO ĐỘNG)