Thích ứng với phương thức sản xuất mới
Vài năm trước, báo cáo của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đã chỉ ra những nghề có nguy cơ bị robot thay thế là công nhân nhà máy (44%); nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%); nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%)...
Trong bài viết “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số”.
Thích ứng với “cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển”, người công nhân Việt Nam cần phải có những thay đổi để khẳng định vai trò là lực lượng trụ cột trong sự phát triển kinh tế và xã hội. Trong bối cảnh hiện đại, vai trò của họ không chỉ dừng lại ở việc thực hiện mà còn là động lực thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển bền vững.
Tiến sĩ Phạm Thị Hoàng Hà - Viện trưởng viện Chủ nghĩa xã hội khoa học thuộc Học viện Chính trị QG Hồ Chí Minh - nhận định: “Sự phát triển từ công nhân lao động giản đơn sang công nhân trí thức đã trở thành xu thế chung của sự phát triển, tiến bộ xã hội. Trong điều kiện công nghệ, thông tin, khoa học chiếm vị trí hàng đầu trong sản xuất, công nhân trí thức trở thành bộ phận tiên tiến nhất của giai cấp công nhân hiện đại”.
Bàn về vấn đề trí thức hóa công nhân Việt Nam hiện nay, PGS.TS Lê Mạnh Hùng của Đại học Công đoàn cho rằng: “Trí thức hóa công nhân là một tất yếu. Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ công nhân của Việt Nam đang ở mức thấp trong bậc thang quốc tế và nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế của ta đang khát đội ngũ nhân lực có chuyên môn, tay nghề cao, kể cả các lĩnh vực như xây dựng cơ bản”.
Nhìn từ góc độ một ngành, nghề cụ thể, bà Phạm Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam - nêu quan điểm: “Sự tiến bộ công nghệ và tự động hóa trong ngành dệt may đang làm thay đổi cơ cấu lao động, yêu cầu công nhân phải có kỹ năng mới. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn là tham gia hiệu quả vào chương trình đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động, nhất là hoạt động chuyển đổi nghề, cập nhật công nghệ, hỗ trợ, đổi mới trong lực lượng lao động”.
Hệ giá trị công nhân Việt Nam hướng tới kỷ nguyên mới của dân tộc
PGS.TS Lê Mạnh Hùng cho rằng, nâng cao tay nghề, đảm bảo thích ứng với khoa học công nghệ chỉ là một phần trong hệ giá trị công nhân Việt Nam hiện nay.
Trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, việc xây dựng hệ giá trị công nhân Việt Nam trong giai đoạn mới là nhiệm vụ chiến lược nhằm khẳng định vai trò tiên phong của giai cấp công nhân. Đặc biệt, thúc đẩy tinh thần yêu nước và trách nhiệm dân tộc của công nhân Việt Nam; Lao động sáng tạo, kỷ luật và chuyên nghiệp; Trình độ kỹ thuật, ý thức tổ chức và sáng tạo là nền tảng để nâng cao năng suất và chất lượng lao động; Đoàn kết, nhân văn và gắn kết cộng đồng.
TS Cao Tuấn Phong - Viện Kinh tế Việt Nam phân tích về các giải pháp để nâng cao hệ giá trị công nhân Việt Nam: “Thứ nhất là phải nâng cao trình độ chính trị, ý thức giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị trong công nhân Việt Nam.
Thứ hai, xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển giai cấp công nhân thể hiện ở việc xây dựng hoàn thiện chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, đời sống, nâng cao thể chất cho công nhân.
Thứ ba là chú trọng nâng cao công tác đào tạo nghề, trình độ học vấn, trí thức hóa công nhân Việt Nam.
Thứ tư là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động đặc biệt là người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”. TS Cao Tuấn Phong nhấn mạnh, tổ chức Công đoàn sẽ là nhân tố quan trọng trong việc thực hiện các giải pháp trên.
Trở lại vấn đề “Liệu công nghệ và trí tuệ nhân tạo có thể thay thế hoàn toàn vai trò của người công nhân?”, các chuyên gia đều chung nhận định, dù công nghệ có tiên tiến đến đâu, vẫn có những khía cạnh mà người công nhân giữ vai trò độc đáo và không thể thay thế. Đó là sự sáng tạo và đổi mới trong công việc.
Bên cạnh đó, người công nhân là hiện thân của tinh thần lao động đại diện cho tinh thần cống hiến, đoàn kết và trách nhiệm xã hội. Và cuối cùng công việc của người công nhân không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn mang lại sự ổn định cho gia đình, cộng đồng và xã hội.
(Bài đăng trên Ấn phẩm đặc biệt Lao Động Xuân Ất Tỵ)
https://laodong.vn/cong-doan/he-gia-tri-cong-nhan-viet-nam-trong-ky-nguyen-moi-cua-dan-toc-1453543.ldo