Dù vậy, theo ghi nhận, nhiều lao động chưa thấy mặn mà để tham gia.
Anh Đặng Văn Hậu (35 tuổi) - công nhân tại Nam Định cho biết, với anh, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là phương án cuối cùng để hưởng lương hưu nếu chưa đóng đủ số năm quy định.
Trong quá trình đi làm, anh chưa có ý định tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nếu tạm ngừng hợp đồng.
Lý giải quan điểm trên, anh Hậu cho biết, thời gian tạm hoãn hợp đồng thường không quá dài, chỉ một vài tháng. Nếu lâu hơn đồng nghĩa thu nhập không có, khi đó anh Hậu sẽ không quá coi trọng việc đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Anh Hậu chưa mặn mà tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khi tạm hoãn hợp đồng lao động vì chưa thấy nhiều lợi ích. Ảnh: Minh Hương.
Theo nam công nhân, thời gian tạm hoãn làm việc từ 1 đến 2 tháng không ảnh hưởng nhiều đến các quyền lợi hưu trí.
Lý do khác khiến nam công nhân chưa mặn mà đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện khi tạm hoãn hợp đồng lao động đó là lo lắng các quyền lợi. Anh Hậu lo ngại quyền lợi như trợ cấp ốm đau có thể không được nhận bởi bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa hỗ trợ.
Nam công nhân kiến nghị, khi đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn được hưởng tất cả các quyền lợi như đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Anh Hậu cũng đề xuất Nhà nước hỗ trợ chi phí đóng để người lao động yên tâm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khi công việc, thu nhập bị ảnh hưởng.
Chị Mai Thị Tâm (25 tuổi) - công nhân giày da tại Thái Bình chia sẻ, điều chị quan tâm khi đi làm đóng bảo hiểm là trợ cấp thai sản. Tuy nhiên, quyền lợi này khi đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo chị Tâm chưa thiết thực.
“Mức hưởng trợ cấp thai sản từ 1.7 với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ 2 triệu đồng. Trong khi mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cần khoảng 1 triệu đồng/tháng, con số bỏ ra và nhận lại chưa thiết thực" - chị Tâm nói.
Sở dĩ chị Tâm quan tâm đến lợi ích thai sản vì năm 2026, chị dự định sẽ sinh con. "Nếu chẳng may nghỉ việc trước khi sinh, không đủ điều kiện số tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hưởng trợ cấp thai sản sẽ rất thiệt thòi" - chị Tâm lo lắng.
Nữ công nhân cho hay, chị cũng như phần lớn người lao động đều chưa nghĩ đến bảo hiểm xã hội tự nguyện khi vẫn có ý định đi làm công ty. Chị Tâm cho biết, bản thân sẵn sàng đợi đến khi được tái ký hợp đồng để tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Do vậy, việc được đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện khi tạm hoãn hợp đồng với chị không quá cần thiết.
Nữ công nhân cho biết, trước mắt vẫn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để tiết kiệm chi phí đóng.
"Chuyện đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện với tôi là chuyện của tương lai. Cần tăng mức hưởng trợ cấp thai sản để thôi thúc nữ giới tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khi bị tạm hoãn hợp đồng lao động" - chị Tâm kiến nghị.
https://laodong.vn/cong-doan/duoc-dong-bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen-khi-tam-hoan-hop-dong-1485317.ldo