Tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đoàn viên, người lao động
Nhân dịp Tết Ất Tỵ 2025, từ 16-21.12, CĐ Dệt may Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) và Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) tổ chức Chương trình thường niên “Tết Sum vầy - Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình” khu vực phía Nam tại Tổng Công ty Việt Thắng - CTCP và Tổng Công ty CP Phong Phú.
Tại Tết Sum vầy tổ chức ở Tổng Công ty Việt Thắng - CTCP CĐ Dệt may Việt Nam tặng quà Tết cho 39 đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn thuộc cụm Việt Thắng gồm nhu yếu phẩm thiết yếu và tiền mặt 1 triệu đồng/người.
Cũng tại đây gian hàng nghĩa tình thu hút hơn 26 đơn vị tham gia với 40 gian hàng như: Phong Phú, Nhà Bè, May Việt Thắng, Quốc tế Phong Phú, Liên Phương, Đồng Nai, Bình Minh, May 10... cùng nhiều doanh nghiệp ngoài ngành với các sản phẩm thiết yếu như quần áo, chăn, ga, gối, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm, hóa mỹ phẩm... đảm bảo chất lượng, giá ưu đãi giảm từ 20-70%. Các gian hàng được tổ chức với mục tiêu “Chung tay vì công nhân lao động ngành Dệt may”... Đây chỉ là một trong rất nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho đoàn viên, NLĐ được CĐ Dệt may Việt Nam tổ chức.
Bà Phạm Thị Thanh Tâm - Chủ tịch CĐ Dệt may Việt Nam - cho biết, với đặc thù trình độ CNLĐ chưa cao, thu nhập còn thấp so với các ngành khác, trong triển khai Chương trình hành động số 399 của BCH Tổng LĐLĐVN thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 28.1.2008 của BCH Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng GCCN VN thời kỳ CNH, HĐH đất nước”, CĐ Dệt may Việt Nam đã tập trung vào hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ.
Việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT ngành được tổ chức định kỳ; phát huy hiệu quả của Văn phòng tư vấn pháp luật; tổ chức Tết Sum vầy - Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình tại 6 điểm trên cả nước; tổ chức các hoạt chăm lo cho NLĐ và gia đình NLĐ như tặng sổ tiết kiệm, khen thưởng con NLĐ học giỏi và các hoạt động đột xuất khác. Những hoạt động này đã hỗ trợ được NLĐ lúc khó khăn và động viên họ nỗ lực trong lao động sản xuất.
Đào tạo để thu hút nhân lực, làm mạnh thêm đội ngũ
Xu hướng dịch chuyển lao động sang các ngành dịch vụ, công nghệ cao khiến ngành Dệt may khó thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh đó, sự thay đổi về tâm lý xã hội của các thế hệ CNLĐ trong môi trường làm việc đặt ra các vấn đề của công tác quản lý và tác động không nhỏ đến nhiệm vụ xây dựng đội ngũ CNLĐ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ CNH-HĐH.
Để khắc phục tình trạng này, CĐ Dệt may Việt Nam đã chú trọng công tác đào tạo. Nhiệm kỳ 2023-2028 là nhiệm kỳ thứ 2 liên tục CĐ ngành xây dựng và triển khai một trong 5 chương trình công tác lớn mang tên “Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực thích ứng cho cán bộ, đoàn viên và người lao động”.
Qua đó, từ đầu nhiệm kỳ trước cho đến nay, CĐ ngành trực tiếp tổ chức 106 lớp đào tạo tại các CĐCS có hơn 4.700 lượt người tham gia với nội dung đa dạng, không chỉ chuyên môn mà còn cả kỹ năng mềm. Đặc biệt CĐ ngành đã tạo được động lực thi đua lao động sản xuất bằng nhiều phong trào, giải thưởng cấp ngành như Ngày hội Lao động sáng tạo, Hội thi thợ giỏi, Giải thưởng Nguyễn Thị Sen, Gia đình Dệt may tiêu biểu...
https://laodong.vn/cong-doan/cong-doan-det-may-cham-lo-tet-som-cho-doan-vien-1436766.ldo