Một đời sáng tạo âm nhạc cho người lao động và tổ chức công đoàn
Trưởng thành từ công nhân khai mở đất miền Tây những năm âm vang giai điệu “Đi, ta đi khai phá rừng hoang...” xây dựng nông trường trồng cà phê, trồng cam Bãi Phủ (Anh Sơn, Nghệ An), nhạc sĩ Quang Vượng gần như dành trọn cả cuộc đời kí thác hoạt động sáng tác âm nhạc thủy chung với đề tài người lao động và tổ chức công đoàn xứ Nghệ yêu thương.
Trưởng thành từ gian khó
Từ vùng đất Nam Hùng, kề cận Làng Sen (Nam Đàn), thừa hưởng tư chất Nho học, đam mê dân ca, thích chơi đàn nguyệt của thân phụ Nguyễn Ngoạn, đồng môn với ông Cả Khiêm, anh ruột Bác Hồ, nhạc sĩ Quang Vượng từ nhỏ đã đam mê và có năng khiếu âm nhạc.
Năm 1952, Đoàn văn nghệ kháng chiến Liên khu 4 tá túc tại quê nhạc sĩ, đã như ngọn gió thơm lành thổi nguyên khí sáng tạo âm nhạc vào tâm hồn cậu thiếu niên đang khao khát chân trời lạ. Lên 10 tuổi, Quang Vượng thổi sáo trúc, đánh đàn măng-đô-lin, đàn băng-giô khá thành thạo. Giai điệu, âm hưởng nhạc cổ điển Pháp mượt mà, tha thiết, dìu dặt đã hớp hồn cậu bé mỗi khi tiếng violin, xen-lô... cất lên sau lũy tre xanh, bên ngọn núi Dồi.
Năm 16 tuổi, cùng lớp trai trẻ Nam Đàn, Quang Vượng tình nguyện tham gia đội quân khai phá đồi, núi vùng Bãi Phủ, trở thành thế hệ mở đất, lập nông trường đầu tiên phía Tây Nam Nghệ An. Cuộc sống đạm bạc, lao động cật lực, ăn uống kham khổ nhưng tất thảy đều toát lên niềm tin ở ngày mai. Đêm lửa trại, hội tụ dân ca Khu 5 với giai điệu vè Quảng Nam, hò khoan Quảng Ngãi, ca bài chòi Bình Định, ví giặm Nghệ Tĩnh như xua tan khí lạnh hoang vu núi rừng Kim Nhan.
Trong những đêm vui tự biên, tự diễn ấy, cây sáo trúc và chiếc đàn măng-đô-lin của Quang Vượng được dịp tấu lên, làm nền cho những giọng ca không cần biết sai nhịp, sai phách của bấy nhiêu người lính quê miền Nam tập kết, cùng lăn lộn đi mở đất.
Hình tượng sống động của lớp người khai hoang mở đất dưới cái nắng gió lào bỏng rát, giá buốt tím mặt, nhưng niềm tin vào thành quả lao động của họ đã khơi nguồn cảm hứng để Quang Vượng viết ca khúc đầu tiên “Chiều miền Tây’', khi anh chưa được học nhạc lí bài bản. Lời ca khúc khắc họa viễn cảnh: “... Ngày nay miền Tây đổi mới, điện đài chăng chật lối chim bay. Nhà dựng lên, dựng phố tương lai. Người về đây từ bốn phương xa, cùng nhau dựng xây nông trường...”.
Sớm trở thành hạt nhân phong trào văn hóa quần chúng ở cơ sở, Quang Vượng được Liên hiệp Công đoàn Nghệ An chọn dự lớp bồi dưỡng sáng tác âm nhạc và nghiệp vụ tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ do Bộ VHTTDL và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội. Đây là bước khởi nghiệp để Quang Vượng tiếp nhận kiến thức cơ bản, chắp cánh cho năng khiếu nghệ thuật, có nền móng bay lên vững chắc sau này.
Quang Vượng có may mắn được lãnh đạo liên hiệp công đoàn tỉnh, mà trực tiếp là Thư kí Thái Ngô Tài quan tâm đào tạo. Năm 1973, anh được cử theo học lớp văn hóa quần chúng, chuyên ngành âm nhạc chính quy tại một trường văn hóa nghệ thuật có bề dày đào tạo ở Trung ương. Năm 1982, Quang Vượng lại có cơ may được tuyển chọn thực tập sinh tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật quốc tế Sofia (Bulgaria). Bằng nỗ lực của chính mình, Quang Vượng biết chắt lọc những tinh túy của văn hóa phương Tây hòa quyện với văn hóa dân tộc, giàu bản sắc truyền thống vùng, miền mà nền dân ca là chủ đạo, để anh với tư cách công dân, nhạc sĩ của tầng lớp lao động bền bỉ, miệt mài sáng tạo, cống hiến cho phong trào công nhân, công đoàn những tác phẩm tâm huyết nhất của mình.
Từng trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, kể từ anh cán bộ văn hóa quần chúng Nông trường Bãi Phủ, đến chuyên viên ngành văn hóa, cán bộ Nhà Văn hóa Lao động, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố Vinh, nhạc sĩ Quang Vượng có mở rộng đề tài sáng tác nhưng tựu trung, nhất quán vẫn bền bỉ đeo đuổi đam mê và cho ra đời những tác phẩm âm nhạc dành cho người lao động.
Trong đời sống tinh thần, đội ngũ cán bộ công đoàn, công nhân, viên chức, lao động Nghệ An không thể quên những giai điệu của nhạc sĩ Quang Vượng dành cho mình. Những ca khúc đã neo vào tình cảm của người thợ, người lao động đi cùng năm tháng với biết bao biến cố, đổi thay như: “Niềm vui trên đồng cỏ”, “Quê ta vào trận lập công”, “Tổ ấm Công đoàn”, “Cửa Lò biển gọi”, “Tình ca sông Hiếu”, “Bãi Phủ miền đất tôi yêu”, “Đường về qua cửa hàng cam”, “Hành khúc Công đoàn viên chức Việt Nam”...
Công chúng đã được nghe ca khúc của nhạc sĩ Quang Vượng ngân vang trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Trung ương, địa phương, hay được công bố trên các ấn phẩm âm nhạc tuyển chọn. Ca khúc của ông lần lượt được các ca sĩ nổi tiếng, tài danh gồm: Đăng Dương, Phương Thảo, Bích Ngọc, Ngọc Hà, Quế Thương, Xuân Huyền... thể hiện thành công.
Trọn ân tình với tổ chức công đoàn
Những ca khúc của nhạc sĩ Quang Vượng sau khi được vinh danh tại các hội diễn, liên hoan tiếng hát công nhân, viên chức, lao động toàn quốc, không bao lâu trở thành bài hát “tủ” của nông trường, lâm trường, nhà máy, cơ quan, xí nghiệp... Chỉ mới đây thôi, ở vào độ tuổi 80, ông còn cho ra đời ca khúc “Bến phà bất tử”, ngợi ca chiến công và những tấm gương hi sinh quả cảm của tập thể công nhân phà Bến Thủy trong kháng chiến chống Mỹ; một đơn vị với 3 cá nhân và 2 tập thể được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động.
130 ca khúc tuyển chọn của nhạc sĩ Quang Vượng được công bố từ năm 1960 đến nay là những lát cắt sinh động, giàu sức biểu cảm chân thực của nhiều thế hệ công nhân, viên chức, lao động, tỏa sáng khát vọng, tâm hồn tươi trẻ, quên mình, sáng tạo trong kháng chiến chống Mỹ, trong khôi phục kinh tế, trong thời kì đổi mới, phát triển đất nước hôm nay.
Trên căn gác nhỏ, ngôi nhà số 19 cạnh quốc lộ 1A, xã Nghi Kim (TP Vinh), Quang Vượng nâng cây đàn măng-đô-lin có tuổi đời gần bằng tuổi anh dạo nhạc, cất lời ca “Tổ ấm Công đoàn”. Âm hưởng dân ca ru con Nam Bộ, pha man mác chất liệu dân ca Nghệ Tĩnh trong giai điệu truyền thống “Phụ tử tình thâm” tha thiết vang lên: “Dẫu ở nơi đâu, luôn nhớ về tổ ấm. Đường qua gian lao trên ngàn dưới biển, dãi nắng dầm mưa vẫn nhớ về cội nguồn. Nơi ấy có tình thương người cha, nơi đây có tình yêu người mẹ. Chị ngã có em nâng, ngọt bùi cùng chia sẻ... Nơi ấy có niềm tin bao la, bên nhau trong bài ca lao động, ấm áp muôn tình người, thơm ngát bao tình đời... nơi tổ ấm công đoàn”.
Trong kí ức Quang Vượng, mốc năm 1966 mãi mãi không phai mờ. Thời đó chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ vào kì tàn khốc. Tuyến đường số 7, tuyến chi viện cho chiến trường Lào bị đánh phá ác liệt. Nông trường Bãi Phủ nằm cạnh tuyến đường 7 trở thành mục tiêu bắn phá bất cứ lúc nào của không quân Mỹ ngày, đêm từ căn cứ U-ta-pao (Thái Lan). Trong một trận bom rải thảm vào nông trường, nhạc sĩ Quang Vượng bị vùi lấp, được anh chị em công nhân, trực tiếp là Thư kí Công đoàn Nông trường cứu lên và cưu mang, chăm sóc.
Đến năm 1988, khi vai trò của tổ chức công đoàn được tôn vinh, trở thành mô hình phổ biến trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người công nhân, tập hợp nguyện vọng công nhân và cả những diễn đàn sáng tạo, thi đua sản xuất nảy nở từ cơ sở thì ca khúc “Tổ ấm Công đoàn” ra đời. Niềm biết ơn trong hoạn nạn được cưu mang, nhạc sĩ Quang Vượng phải nuôi cảm xúc, chắt lọc cấu tứ âm nhạc, ca từ hơn 20 năm mới có tác phẩm đoạt giải nhất Liên hoan tiếng hát công nhân toàn quốc và khu vực miền Trung.
Ông vẫn thường chia sẻ với mọi người rằng: “Tôi đã trả xong ân nghĩa cho đoàn thể của giai cấp công nhân. Nơi tôi được nuôi dưỡng tâm hồn sáng tạo từ buổi đầu làm người thợ".
https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/mot-doi-sang-tao-am-nhac-cho-nguoi-lao-dong-va-to-chuc-cong-doan-1176739.ldo
BÀI VÀ ẢNH VĂN HIỀN (BÁO LAO ĐỘNG)