Con công nhân vui chơi tại công viên nằm trong KCN VSIP trong khuôn khổ lễ phát động Tháng Công nhân 2025. Ảnh: Mai Dung
Sân chơi của con là nhà bóng ở siêu thị
Dạo quanh các xóm trọ của CNLĐ ở gần các khu công nghiệp, hầu như không chỗ nào có sân chơi cho trẻ. Ở Ngọc Than, Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội), tầm 16h, bọn trẻ con lôi nhau ra đường để đá bóng. Trận bóng thường bị gián đoạn vì có xe đi qua. Có mấy đứa lại rủ nhau trèo cổng vào khoảng sân cạnh nơi thờ cúng của xã để đánh cầu lông. Những ngày nắng nóng đầu hè này, rất đông trẻ ra ao bơi. Nhiều nhà mua áo phao cho con, nhưng cũng có trẻ dùng can nhựa làm phao… Nơi ở không có chỗ chơi, bọn trẻ tự tìm cách để giải phóng năng lượng. Ngoài đá bóng, chạy nhảy, bơi lội, sau 21h, bọn trẻ còn rủ nhau đi quanh xóm - bé Tuấn, đang học lớp 5 có bố lái công nông, mẹ làm công nhân cho biết.
Là một trong những gia đình trọ tại Ngọc Than, chị Quách Ngọc Nhâm, quê Hòa Bình, đang làm việc tại Khu công nghiệp Thạch Thất cứ hè về là lại đau đầu về chỗ chơi cho con. Vì điều kiện, chồng chị ở Hòa Bình với con gái lớn 7 tuổi, chị ở Hà Nội với mẹ chồng và con trai mới 9 tháng tuổi. Thỉnh thoảng chồng cho con gái lớn xuống chơi với mẹ thì phải quanh quẩn trong căn trọ chật hẹp, khoảng 12m2, tường bao kín, không có cửa sổ. Có lần con xuống chị cho con ra nhà bóng ở thị trấn Quốc Oai chơi, nhưng chỉ 1-2 lần là con chán. Dần dần, thú vui duy nhất khi bé xuống Hà Nội chơi với mẹ là… chạy ra đường chơi. Mỗi lần như thế chị Nhâm dặn đi dặn lại con phải cẩn thận vì đường nhiều xe và chỉ để con ra đường chơi sau 21h. “Thôi thì cũng phải để các con vận động, chạy nhảy nên tôi chỉ biết dặn dò: “Phải cẩn thận, tránh xe cộ”, chị Nhâm chia sẻ.
Chị Trương Thị Hạnh, công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, trọ tại Võng La (Đông Anh) cho hay: Nhà trọ quá chật, không có chỗ cho con chơi nên vợ chồng chị muốn đưa các con đến nơi có không gian rộng để bọn trẻ được chạy nhảy, vận động cơ thể.
Công nhân lao động “đau đầu” khi hè về
Hiện nay, khi kỳ nghỉ hè cận kề, nỗi lo về sân chơi cho con em công nhân lại càng “nóng” lên. Tại các khu công nghiệp tập trung đông lao động ở TP Đà Nẵng, tình trạng thiếu không gian vui chơi an toàn, bổ ích cho trẻ nhỏ đang khiến nhiều bậc phụ huynh trăn trở.
Tại khu dân cư gần các khu công nghiệp của TP Đà Nẵng như Khu công nghiệp Hòa Cầm, Khu công nghiệp Hòa Khánh, Khu công nghiệp Liên Chiểu (Đà Nẵng)… mỗi năm có hàng triệu người dân ngoại tỉnh đến tạm trú. Vì vậy, hình ảnh quen thuộc mỗi dịp hè là những đứa trẻ quanh quẩn trong khu nhà trọ chật hẹp, hoặc lang thang ngoài đường, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Chị Lê Thị Bê, công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Cầm, chia sẻ: “Nghỉ hè đến, tôi rất lo lắng cho con nhỏ. Ở đây không có sân chơi, công viên hay nhà văn hóa nào cả. Các cháu chỉ biết xem tivi, điện thoại hoặc ra khoảng trống trước khu nhà ở để chơi. Tôi mong muốn có một khu vui chơi an toàn, lành mạnh để các con được vui chơi, phát triển thể chất và tinh thần”.
Cùng chung nỗi niềm, chị Nguyễn Thị My, cũng là công nhân tại khu công nghiệp Hòa Cầm, cho biết: “Vợ chồng tôi đều đi làm cả ngày, nghỉ hè con cái ở nhà không ai trông nom. Khu nhà ở lại chật chội, bí bách, bọn trẻ quanh quẩn trong đó cũng khổ. Muốn cho các cháu đi chơi nhưng chẳng biết đưa đi đâu”.
Thực trạng thiếu sân chơi không chỉ khiến trẻ em buồn chán, thiếu hoạt động vui chơi giải trí mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của các em. Việc thiếu không gian vui chơi an toàn cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, rủi ro cho trẻ nhỏ, khiến các bậc phụ huynh luôn trong tình trạng lo lắng, bất an.
Rất cần những khoảng không gian cho trẻ
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thanh Hải - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam - cho biết, hiện các khu nhà trọ của CNLĐ hầu như không có sân chơi cho trẻ con.
“Ở đây tôi muốn nói là sân chơi cho con của cả người dân địa phương. Không phải chỉ nghỉ hè các con mới cần đến sân chơi, mà ngày thường, đi học về trẻ cũng cần có chỗ để chạy nhảy, nô đùa hoặc chơi các trò chơi. Chỗ chơi an toàn cho con đã và đang là một trong những lo lắng cũng như mong muốn của các CNLĐ ở trọ. Nhiều dãy nhà trọ chỉ có không gian hẹp để đi lại, trẻ muốn chơi thì chạy ra đường lớn, nhiều xe cộ và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đó là ngày thường, còn mùa hè, nhiều gia đình chọn giải pháp gửi con về quê vừa là để thăm ông bà, vừa để cho trẻ có chỗ chơi, không phải ở trong khung cảnh gò bó, bức bí”, ông Hải nhấn mạnh.
Theo Đề án “Hỗ trợ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong việc chăm sóc và nuôi dạy con giai đoạn 2025 - 2028” của Tổng LĐLĐVN do Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Thái Thu Xương ký, một trong những mục tiêu cụ thể đến năm 2028 của Đề án là phấn đấu mỗi LĐLĐ tỉnh, thành phố hỗ trợ ít nhất 1 nhóm trẻ độc lập tư thục tại khu vực có KCN, KCX về thiết bị, đồ dùng, đồ chơi và các điều kiện bảo đảm chất lượng chăm sóc, nuôi dạy con CNLĐ.
Đề án cũng đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, thúc đẩy đầu tư xây dựng nhà ở công nhân và các thiết chế công đoàn tại KCN, KCX, coi đây là giải pháp căn cơ giúp gia đình người lao động “an cư lạc nghiệp”.
Việc đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các KCN, KCX cần gắn với việc xây dựng các khu nhà trẻ, trạm y tế, khu vui chơi giải trí cho trẻ em là con công nhân KCN, KCX. Từ đó, giúp cho việc thực hiện một trong những quyền của trẻ em là được sống cùng cha mẹ, được chăm sóc tinh thần, tình cảm trên cơ sở tăng cường gắn kết cha mẹ và con cái; tạo điều kiện cho trẻ phát triển, hoàn thiện cả về thể chất, tinh thần.
Chung tay xây dựng tổ ấm cho công nhân
Trước thực trạng khó khăn về nhà ở và thiếu hụt các thiết chế văn hóa, vui chơi giải trí cho công nhân, TP Đà Nẵng đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm tăng cường quỹ nhà ở xã hội. Đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng các khu nhà ở xã hội tích hợp khu vui chơi, thiết chế văn hóa cho công nhân và con em của họ.
Theo ông Nguyễn Hà Nam, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, địa phương này và Tổng LĐLĐVN sẽ xây dựng 730 căn hộ mới kèm theo các thiết chế văn hóa, sân chơi, nhà sinh hoạt cộng đồng tại khu vực Hòa Cầm (quận Cẩm Lệ). Đây là một nỗ lực nhằm mang đến cho công nhân một tổ ấm trọn vẹn cho công nhân, không chỉ đáp ứng nhu cầu về nhà ở mà còn đảm bảo các điều kiện vui chơi, giải trí, phát triển cho con em họ. Tổng LĐLĐVN cũng đang nghiên cứu khả năng đầu tư thêm 500 căn hộ tại khu vực này, từ đó khẳng định sự quan tâm và hỗ trợ thiết thực đối với đời sống công nhân.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đang đẩy mạnh đầu tư trực tiếp vào dự án chung cư Vũ Mộng Nguyên giai đoạn 2 với 191 căn hộ, đồng thời nâng cấp 184 căn hộ tại Hòa Cầm. Thành phố đang đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 2.736 căn hộ tại dự án Bàu Tràm, khởi công lại các dự án chung cư Đại Địa Bảo và An Trung 2 với 870 căn hộ. Dự án tại khu tái định cư Hòa Hiệp 4 với 1.564 căn hộ dự kiến khởi công vào tháng 10 và hai khu chung cư mới tại Cẩm Lệ với 1.955 căn hộ dự kiến khởi công cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026.
Không chỉ tập trung vào các dự án hiện hữu, Đà Nẵng còn mở rộng quỹ đất, kêu gọi đầu tư cho các dự án mới. Vị trí số 10 Trịnh Công Sơn với 649 căn hộ đã được chấp thuận đầu tư và 4 khu đất khác với tiềm năng phát triển khoảng 3.000 căn hộ đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục, dự kiến khởi công trong năm 2026.
Một giải pháp đáng chú ý khác là việc chuyển đổi công năng ký túc xá sinh viên tại Hòa Khánh thành 728 căn hộ cho công nhân thuê. Những nỗ lực này cho thấy quyết tâm của thành phố trong việc giải quyết bài toán nhà ở và tạo dựng môi trường sống tốt hơn cho công nhân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Đề xuất mở rộng mô hình trại hè miễn phí cho con công nhân
Ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch Công đoàn Công ty Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao, TPHCM) - cho rằng, việc thiếu sân chơi cho con CNLĐ có thể nói là quanh năm chứ không chỉ riêng trong dịp hè. Sự thiếu hụt này gồm cả thiếu nhân lực, vật lực, tài lực từ đầu tư của Nhà nước lẫn doanh nghiệp. Các chương trình phục vụ cho thiếu nhi, thiếu niên về phim, sách, ca khúc, games còn ít so với nhu cầu của các cháu.
Ông Hồng cho hay, cần tăng cường sử dụng các nhà văn hóa tại quận, huyện hay Nhà văn hóa Lao động thuộc hệ thống công đoàn để làm nơi vui chơi cho các cháu con CNLĐ. Các nhà văn hóa này nên có sự kết nối với các khu dân cư để thiết kế các chương trình vui chơi, vừa chơi vừa học, trong học có chơi, trong chơi có học và thiên về các hoạt động thể dục, thể thao, văn nghệ, vận động ngoài trời, kết hợp với dạy các kỹ năng mềm, kỹ năng sống để thu hút các cháu đến sinh hoạt và giúp các cháu tránh xa khỏi điện thoại, máy tính hay các thiết bị điện tử từ sớm.
Đồng thời, chính quyền, công đoàn cần vận động các chủ nhà trọ có nhiều phòng trọ, có nhiều con CNLĐ tham gia với các đơn vị của Nhà nước, công đoàn để tạo sân chơi cho con CNLĐ ngay tại các khu dân cư, khu nhà trọ. Bởi lẽ khi tổ chức ngay tại các khu nhà trọ thì con của CNLĐ đang ở đó có thể tham gia chơi, sinh hoạt được chứ không cần CNLĐ phải đưa con đến các nơi vui chơi, nhà văn hóa.
“Các địa phương cũng cần tổ chức thêm nhiều sân chơi giống như mô hình Trại hè Thanh Đa nhưng miễn hoặc giảm chi phí cho con CNLĐ để các cháu có điều kiện được tham gia nhiều hoạt động vui chơi, giải trí hơn trong dịp hè”, ông Hồng nói.
Đồng tình quan điểm trên, bà Trần Thị Hồng Vân - Chủ tịch CĐ Công ty Nissei Electric Việt Nam - cho biết, chính quyền, doanh nghiệp nên tổ chức một số loại hình trò chơi cho con CNLĐ như chơi dưới nước (kiểu khu vui chơi phun nước) để giúp giải nhiệt trong thời tiết nóng, tăng khả năng vận động, tương tác nhóm; vui chơi ngoài trời đa năng như cầu trượt, xích đu, bập bênh, leo núi, dây thăng bằng, để giúp các cháu phát triển thể chất và khả năng phối hợp vận động.
Cùng với đó cũng có các sân chơi sáng tạo như lắp ghép mô hình giúp trẻ kích thích trí tưởng tượng phong phú và nhập vai; cho trẻ tham quan các khu vườn thiên nhiên hoặc sân chơi gắn với thiên nhiên để cho các cháu tiếp xúc với cây cối, đất, cát, nước để giúp phát triển giác quan, kỹ năng quan sát và yêu thiên nhiên... Nam Dương
https://laodong.vn/cong-doan/thieu-san-choi-an-toan-cho-con-cong-nhan-o-khu-cong-nghiep-1507074.ldo