Không yên tâm nhưng không còn lựa chọn nào
Chị Nguyễn Thị Hà, có con đầu lòng gần 3 tuổi. Hai vợ chồng cùng quê Quảng Bình, ra Hà Nội làm công nhân. Cũng như các công nhân khác, thu nhập của vợ chồng chị phải tằn tiện mới đủ chi phí cho cuộc sống. Vì vậy, vợ chồng chị thuê một phòng trọ bé, chỉ đủ kê giường để ngủ và bếp để nấu ăn. Có con rồi nhưng vợ chồng chị vẫn chưa đủ điều kiện thuê phòng trọ rộng hơn. Nếu nhờ ông bà hai bên ra trông em bé cho vợ chồng chị đi làm thì không có chỗ để ngủ. Do đó, chị Hà phải gửi con ở một cơ sở tư nhân gần khu trọ.
Chị Hà cho biết, thuận lợi là hôm nào cả 2 vợ chồng tăng ca thì con vẫn có người trông, dù phải trả thêm chút tiền. Điều vợ chồng chị và cả ông bà nội ngoại hai bên lo lắng chính là sự an toàn của bé khi đi nhóm trẻ tư nhân. Mỗi lần có vụ việc hay tin tức về trẻ gửi ở cơ sơ tư nhân bị bạo hành, cả nhà rất lo.
“Nhiều khi đang trong giờ làm, chợt nghĩ không biết trưa nay con mình được cho ăn như thế nào, có bị quát mắng vì lười ăn hay nhai, nuốt chậm không mà không tập trung công việc được” - chị Hà tâm sự. Khi được hỏi tại sao không gửi con về cho ông bà chăm, chị Hà nói: Con còn nhỏ quá, không nỡ xa con. Vả lại, bố mẹ hai bên cũng khó khăn, điều kiện ở quê không bằng ở thành phố, nhất là mỗi lúc bé ốm đau...
Những gia đình công nhân có con nhỏ như vợ chồng chị Hà không phải số ít. Nhà nào có 2 con thì thường gửi đứa lớn về nhờ ông bà chăm, đứa bé được ưu tiên ở với bố mẹ tại Hà Nội. Những gia đình công nhân có con lớn, đang học phổ thông thì lại có nỗi lo con không được kèm cặp, nhất là ở độ tuổi hình thành nhân cách; lo con đi học có bị bắt nạt hay bạn bè lôi kéo...
Ở các khu công nghiệp tập trung chủ yếu là lao động nhập cư, nhiều lao động trẻ có con nhỏ, làm việc theo ca kíp nên nhu cầu gửi trẻ từ 6 - 18 tháng và nhu cầu gửi trẻ ngoài giờ hành chính do bố mẹ tăng ca là rất lớn. Tuy nhiên các trường mầm non công lập chưa đáp ứng được nên công nhân lao động chủ yếu phải gửi con ở các nhóm trẻ gia đình, không đảm bảo chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ và cũng không thuộc đối tượng được thụ hưởng chính sách của Nghị định 105/2020/NĐ-CP.
Tỉ lệ con công nhân lao động làm việc trong các doanh nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp...rất lớn và có hoàn cảnh khó khăn, nhu cầu được hỗ trợ như con công nhân lao động làm việc tại khu công nghiệp nhưng không thuộc đối tượng được hỗ trợ của Nghị định 105/2020/NĐ-CP.
Từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2023, Tổng LĐLĐVN thực hiện khảo sát tại Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, An Giang, Công đoàn Dệt may khu vực phía Nam với 1.000 phiếu là lao động nữ nhập cư đang nuôi con nhỏ và lao động nữ địa phương, cán bộ Công đoàn cơ sở, người sử dụng lao động tại 30 doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát được công bố vào tháng 12.2023 cho thấy, 95,5% lao động nữ di cư được khảo sát đã có con (1 con chiếm 33,4%, có 2 con chiếm 51.2%, 3 con trở lên chiếm 15,3%). Trong số này có 18,1 % gửi trẻ ở các trường mầm non tư thục; 4,1% gửi tại các nhóm trẻ gia đình trong khu dân cư sinh sống; 2,7% gửi ở mà doanh nghiệp xây dựng nhà trẻ cho con công nhân; 31,6% gửi trẻ ở quê nhờ người thân chăm sóc... Về kết quả học tập thì có 23% trẻ đạt kết quả học tập trung bình, kém...
Sẽ vơi bớt khó khăn
Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng, ngày 8.9.2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển mầm non, trong đó chú trọng về phát triển giáo dục mầm non cho con công nhân lao động trong các khu công nghiệp.
Cụ thể nhất là các chính sách đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, nơi có nhiều lao động (Điều 5), chính sách hỗ trợ con công nhân lao động trong các khu công nghiệp (Điều 8) và Chính sách đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp (Điều 10).
Bên cạnh đó, Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14.12.2023 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động cũng quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc xây dựng nhà trẻ mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ cho người lao động có con trong độ tuổi nhà trẻ mẫu giáo, trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân tỉnh trong việc bố trí quỹ đất xây dựng nhà trẻ mẫu giáo hoặc đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà trẻ mẫu giáo, quy định đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục, giáo viên mầm non giảng dạy tại các cơ sở giáo dục độc lập tư thục, con công nhân lao động làm việc tại nơi có nhiều lao động được hưởng chính sách như đối với các đối tượng quy định tại Điều 5, Điều 10, Điều 8 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP.
Tất cả những quy định này đã tạo nên một khung chính sách khá đầy đủ và mang tính nhân văn góp phần hỗ trợ cho việc phát triển giáo dục mầm non và chăm lo cho con công nhân lao động ở những nơi có khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đối với chính sách của doanh nghiệp hỗ trợ về nhà trẻ, mẫu giáo cho người lao động, theo thông tin của công đoàn cơ sở trong các khu công nghiệp, hiện đã có một số doanh nghiệp tiến hành xây dựng và duy trì nhà trẻ tại doanh nghiệp để hỗ trợ công nhân lao động gửi con, yên tâm công tác như tại Bình Dương, Đồng Nai...
Còn lại đa số doanh nghiệp tiến hành hỗ trợ cho công nhân lao động có con trong lứa tuổi gửi trẻ với hình thức hỗ trợ chủ yếu bằng tiền. Mức hỗ trợ của doanh nghiệp có dao động từ 10.000 đồng/cháu/tháng đến 300.000 đồng/cháu/tháng. Cá biệt có doanh nghiệp đã hỗ trợ 1.000.000 đồng/cháu/tháng đối với các trưởng bộ phận từ tổ trưởng trở lên.
Các chính sách cộng với sự nỗ lực phối hợp cũng như sự chủ động chăm lo đoàn viên, người lao động của tổ chức Công đoàn đã góp phần quan trọng giúp công nhân lao động có con vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, trong Nghị định 105/2020/NĐ-CP, quy định tại khoản 1 Điều 5 và khoản 1 Điều 10, cơ sở giáo dục mầm non và giáo viên phải trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhóm trẻ/lớp mẫu giáo có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế rất ít cơ sở đạt tỉ lệ 30% học sinh là con công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp mà chỉ đạt từ 10% đến dưới 30%, không đủ điều kiện hưởng chính sách dẫn đến thiệt thòi cho cả giáo viên và cơ sở giáo dục mầm non.
Một số địa phương công nhân lao động làm việc tại khu công nghiệp nhưng ở tập trung tại địa bàn giáp ranh với khu công nghiệp, và gửi con tại các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục tại địa địa bàn không có khu công nghiệp, nên các cơ sở giáo dục mầm non và giáo viên khu vực này mặc dù phải trông nom, chăm sóc phần lớn các cháu là con công nhân lao động của khu công nghiệp nhưng không được thụ hưởng chính sách của Nghị định 105...
https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/de-cong-nhan-yen-tam-gui-con-khi-di-lam-1400062.ldo