Tiền lương eo hẹp, công nhân trì hoãn lập gia đình
Nhiều công nhân lao động tạm gác lại giấc mơ xây dựng mái ấm gia đình vì tiền lương chưa đủ sống.
Có tới 72,6% công nhân lao động chưa lập gia đình cho biết tiền lương là nguyên nhân chính khiến họ chưa kết hôn. Ảnh: Minh Hương.
Sau gần 6 năm làm công nhân đứng máy ở Khu Công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), anh Phạm Văn Huy (nhân vật đề nghị thay tên, 28 tuổi, quê ở Nghệ An) vẫn chưa dám nghĩ đến chuyện lập gia đình, dù đã có bạn gái hơn 3 năm.
Mỗi tháng thu nhập gần 9 triệu đồng, sau khi trừ tiền ăn ở, gửi về quê cho bố mẹ, chi tiêu cá nhân, gần như không còn dư. Nam công nhân hay, nhiều lúc anh cảm thấy tự ti hay lo nghĩ vì thu nhập chưa đủ lo cho cuộc sống mới nếu có vợ con.
“Tôi muốn cưới vợ, nhưng nghĩ đến tiền thuê trọ, nuôi con, sinh hoạt ở Hà Nội là tôi lại chùn bước. Thu nhập hiện tại chưa đủ để lo cho bản thân, nói gì đến lo cho gia đình” - anh Huy chia sẻ trong căn phòng trọ hơn 10m² nằm sâu trong một con ngõ nhỏ thuộc xã Kim Chung.
“Ngay cả tiền cưới cũng phải tính toán rất kỹ, chứ không phải cứ yêu là cưới” - anh Huy nói thêm.
Tình cảnh của anh Huy không phải là hiếm. Một khảo sát do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong tháng 3 - 4.2025 trên gần 3.000 người lao động tại 10 tỉnh, thành phố cho thấy, có tới 72,6% người chưa lập gia đình cho biết tiền lương là nguyên nhân chính khiến họ chưa kết hôn.
Người lao động cảm thấy mức thu nhập hiện tại không đủ để đảm bảo cuộc sống ổn định khi bắt đầu lập gia đình, đặc biệt là trong bối cảnh chi phí sinh hoạt và nuôi dưỡng con cái ngày càng tăng.
Mức lương không chỉ ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu hàng ngày mà còn tác động đến việc mua nhà, tiết kiệm cho tương lai và đảm bảo các nhu cầu cơ bản cho một gia đình mới.
Con số này phản ánh thực tế rằng mức lương hiện tại của nhiều lao động, đặc biệt là lao động ngoại tỉnh, không đáp ứng được nhu cầu cơ bản để xây dựng một tổ ấm.
Chị Nguyễn Thị Mai (nhân vật đề nghị thay tên, 29 tuổi, quê ở Tuyên Quang) - công nhân làm việc tại một công ty điện tử ở Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội) cũng đã nhiều lần hoãn cưới.
“Gia đình hai bên hối thúc nhiều lắm, nhưng tôi tính toán, cưới xong là chi phí tăng gấp đôi, chưa kể còn phải nghĩ đến chuyện sinh con, gửi trẻ, ốm đau, đủ thứ. Tôi không muốn kết hôn mà lại sống trong cảnh nợ nần, thiếu thốn" - chị Mai tâm sự.
Chị Mai làm việc theo ca, thu nhập mỗi tháng dao động từ 7-8 triệu đồng. Dù đã tiết kiệm tối đa, chị vẫn không đủ tiền để dành dụm mua sắm đồ đạc đầy đủ cho cuộc sống gia đình, chưa nói đến mơ ước mua một mảnh đất nhỏ gần Hà Nội.
Áp lực chi phí sinh hoạt ngày càng lớn, từ tiền phòng trọ, điện nước, thực phẩm đến giá cả y tế,... khiến người lao động trẻ khó có thể tính đến chuyện lập gia đình.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tình trạng này cho thấy mức lương tối thiểu hiện nay chưa thực sự bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động, đặc biệt là khi họ có nhu cầu nâng cao chất lượng sống hoặc lập gia đình.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đang kiến nghị tăng lương tối thiểu vùng để người lao động yên tâm làm việc và ổn định cuộc sống.
https://laodong.vn/cong-doan/tien-luong-eo-hep-cong-nhan-tri-hoan-lap-gia-dinh-1537147.ldo
Minh Hương (BÁO LAO ĐỘNG)