Không mặn mà với nhà ở công nhân, nhà ở xã hội
Chị Bùi Ngọc Ánh là công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội), dù đang thuê nhà tại dự án nhà ở dành cho công nhân tại đây nhưng chị Ánh cho biết, nếu có điều kiện mua cũng không chọn mua nhà ở công nhân.
“Gia đình tôi sinh sống tại đây từ những năm 2020, nói thật vì hoàn cảnh khó khăn nên mới phải thuê nhà ở đây cho tiết kiệm chi phí chứ chất lượng nhà rất kém. Thang máy liên tục hỏng hóc, sàn nhà thì cách vài ngày lại bong tróc, nổ sàn. Ngay cả được mua nhà với giá ưu đãi tôi nghĩ nhà mình cũng sẽ không chọn mua những công trình như thế này. Lương công nhân thấp, tích cóp cả đời may ra mới mua được căn nhà nhỏ, không ai lại chọn những công trình chưa ở đã xuống cấp như thế này”, chị Ánh cho biết.
Theo ông Lê Văn Nghĩa - Trưởng Ban Quản lý dự án Thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, một số công trình nhà ở dành cho công nhân hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập.
“Nhà ở công nhân hiện nay có một số nơi xuống cấp, mất an toàn thậm chí còn nguy hiểm với người ở. Thang máy chở người phải được kiểm định, nếu thường xuyên rơi thì rất nguy hiểm, ngoài ra điện nước cũng phải đảm bảo an toàn cho người sử dụng theo quy định. Tôi đánh giá trong quản lý về chất lượng công trình của chúng ta đang có vấn đề. Cũng phải nói thẳng là các chủ đầu tư của công trình này còn thiếu sự quan tâm đúng mức dẫn đến chất lượng công trình chưa được cao. Rất mong muốn các công trình nhà ở công nhân đang xuống cấp này sẽ sớm được sửa chữa, nâng cao chất lượng để công nhân được hưởng lợi”, ông Nghĩa cho biết.
Để nhà ở công nhân, nhà ở xã hội không đồng nghĩa với kém chất lượng
Theo ông Nguyễn Hoàng Nam - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần G - Home (đơn vị chuyên xây dựng nhà ở xã hội), để nâng cao chất lượng nhà ở xã hội cần phải thay đổi ngay từ tư duy.
“Pháp luật của chúng ta không có quy định nào riêng là chất lượng của nhà ở xã hội phải thấp hơn nhà ở thương mại cả. Tất cả đều tuân theo quy chuẩn, tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng. Ở đây trên quan điểm là người đi làm trực tiếp, tôi thấy là làm nhà ở xã hội các Sở Xây dựng họ đến nghiệm thu còn khó hơn nhà ở thương mại”, ông Nam nêu ý kiến.
Để những căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân luôn hoạt động trơn tru, không xảy ra sự cố, theo ông Nam, việc bảo trì công trình cần được đầu tư, chú ý.
“Chúng ta nên sử dụng phí dịch vụ, bảo trì để bảo đảm sự hoạt động của các hệ thống trong các tòa nhà ví dụ như hệ thống thang máy. Chúng ta cần có bảo dưỡng định kỳ nữa, ngân sách thì không chỉ dựa vào nguồn bao cấp của Nhà nước được, chính cư dân ở đó sẽ phải bầu ra ban quản trị để làm những việc đó”, theo ông Nam, cần xóa bỏ tư duy bao cấp để chính người ở tại các công trình này có ý thức bảo vệ căn nhà được xây cho mình hơn.
https://laodong.vn/cong-doan/thay-doi-tu-duy-de-nang-cao-chat-luong-nha-o-xa-hoi-1430615.ldo