Cần tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp
Theo Khoản 1, Điều 50 Luật Việc làm 2013, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Góp ý vào Luật Việc làm (sửa đổi), Tổng LĐLĐVN đề nghị đơn vị soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng lên 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp.
Lý do Tổng LĐLĐVN đưa ra là, thực tế đa số các doanh nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, trong khi mức lương tối thiểu vùng hiện nay còn thấp. Vì vậy, mức trợ cấp thất nghiệp cần tăng lên ít nhất 75% (bằng mức hưởng lương hưu tối đa) là phù hợp, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người lao động có cuộc sống tối thiểu khi mất việc làm, thất nghiệp.
Với mức đề xuất tăng 75%, nhiều người lao động đặc biệt là lao động lớn tuổi cảm thấy vô cùng vui mừng, yên tâm hơn lỡ chẳng may thất nghiệp.
Anh Trần Văn Thắng (32 tuổi, Nam Định) - công nhân dán keo đế giày chia sẻ, đã từng hưởng bảo hiểm thất nghiệp 4 tháng. Mức trợ cấp thất nghiệp thấp, khiến anh khá khó khăn trong việc đảm bảo cuộc sống gia đình. “Lương cơ bản đóng bảo hiểm ở nông thôn khá thấp, không cao như thành thị. Trước đây, tôi hưởng thất nghiệp 60% lương bình quân chỉ được hơn 2,3 triệu đồng. Với mức hưởng này, trang trải cho riêng bản thân còn khó khăn huống chi là cả gia đình” - anh Thắng cho hay.
Nam công nhân cho hay, 2,3 triệu đồng chỉ đủ để chi trả tiền ăn, điện nước, quần áo đơn giản một tháng cho một người trưởng thành, chưa kể các khoản khác. Nuôi thêm một người con phải có thêm ít nhất 1 triệu đồng/tháng.
Đó cũng là lý do vì sao anh Thắng không dám nghỉ việc hưởng thất nghiệp khi vợ đang mang bầu hoặc hưởng thai sản. Vì thời gian này, thu nhập của vợ anh cũng không có nhiều, chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng. Nếu nghỉ việc, cuộc sống cả gia đình sẽ càng khó khăn.
Để cải thiện thu nhập thời gian hưởng thất nghiệp, anh Thắng đã làm thêm các công việc tự do khác như sửa chữa, lắp đặt đồ điện dân dụng. Theo nam công nhân, mức đề xuất tăng lên 75% sẽ thiết thực hơn rất nhiều trong cuộc sống. “Trước đây, nếu tăng lên 75%, tôi có thể được hưởng gần 3 triệu đồng tiền trợ cấp thất nghiệp. Còn bây giờ lương đóng bảo hiểm đã tăng lên hơn 4,1 triệu đồng, tôi sẽ được hưởng 3,1 triệu đồng cao hơn trước rất nhiều để đỡ đần vợ” - anh Thắng tâm sự.
Cần được bảo lưu để đóng nối bảo hiểm thất nghiệp
Với đề nghị nghiên cứu, xây dựng quy định theo hướng “người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng” của Tổng LĐLĐVN, nhiều người lao động bày tỏ sự đồng tình.
Theo Tổng LĐLĐVN, nếu NLĐ đóng đủ 144 tháng bảo hiểm thất nghiệp mà không được hưởng trợ cấp thất nghiệp với những tháng đóng nhiều hơn sẽ khiến họ làm đủ 12 năm rồi nghỉ hưởng trợ cấp thất nghiệp, nghỉ đủ 12 tháng sẽ tạo ra nguy cơ rút BHXH 1 lần, gây ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng sẽ mất đi những NLĐ làm việc lâu năm, hoặc NLĐ sẽ phối hợp với người sử dụng lao động trục lợi chính sách trợ cấp thất nghiệp. Quy định này sẽ khiến NLĐ có tâm lý không mặn mà quay lại quan hệ lao động chính thức.
Anh Đoàn Văn Tiến (tên nhân vật đã thay đổi) có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 8 năm 9 tháng. Mới đây, anh xin nghỉ việc, làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số tiền trợ cấp thất nghiệp anh nhận được là 4,4 triệu đồng/tháng, tối đa trong 8 tháng.
Anh Tiến cho rằng, góp ý của Tổng LĐLĐVN xem xét về quy định thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo. Theo anh, trong thực tế, có nhiều NLĐ đóng bảo hiểm thất nghiệp với thời gian nhiều hơn 12 năm. Nếu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 12 năm không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo cho họ là không hợp lý. “Tôi cho rằng, họ cần được bảo lưu số năm ngoài 12 năm trên để có thể đóng nối bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo quyền lợi của họ nếu chẳng may họ lại bị thất nghiệp” - anh Tiến nói.
Về lo ngại có thể dẫn đến trục lợi bảo hiểm thất nghiệp, anh Tiến cho rằng, NLĐ ai cũng muốn công việc, thu nhập ổn định; mất việc là cực chẳng đã. “Có thể có những trường hợp trục lợi, nhưng theo tôi, cần tăng cường quản lý của cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực này, chứ không phải đặt ra quy định gây thiệt thòi cho NLĐ” - anh Tiến chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc nghiên cứu, xây dựng chính sách bảo hiểm thất nghiệp tự nguyện như đề xuất của Tổng LĐLĐVN là cần thiết, phát huy ý nghĩa của quỹ bảo hiểm thất nghiệp, tạo công bằng xã hội. Bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội - bày tỏ đồng tình với đề xuất xây dựng chính sách bảo hiểm thất nghiệp tự nguyện, bởi “ai cũng có thể mất việc”.
https://laodong.vn/cong-doan/tang-tro-cap-that-nghiep-len-it-nhat-75-them-ho-tro-cho-nguoi-mat-viec-1394680.ldo