Xa quê kiếm tiền nuôi con ăn học
Ngay sau khi kết thúc ca làm việc, chị Lê Minh Huệ (43 tuổi) cùng bạn tìm đến chương trình Chợ Tết Công đoàn năm 2025. Được phát phiếu mua hàng giảm giá trị giá 50.000 đồng, nữ công nhân rất vui, nói sẽ tìm kiếm món đồ phù hợp để mua về tại chương trình.
Trước đây, khi còn ở quê Thái Nguyên, chị làm nông dân. Cách đây vài năm, do thu nhập từ nghề nông bấp bênh, không đủ để nuôi con ăn học, chị quyết định đi làm công nhân công ty may ở quê.
Ở công ty này, mức lương cơ bản thấp (3,2 triệu đồng/tháng), mức thu nhập của chị chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng, lại không có thời gian chăm lo cho gia đình, nên chị nghỉ và đi làm công việc thời vụ ở gần nhà. Chị rút bảo hiểm xã hội 1 lần, nhận trợ cấp thất nghiệp tổng cộng 30 triệu đồng. Số tiền này chị dùng để lo cho các con ăn học và chi tiêu sinh hoạt cho gia đình.
Mới đây, chị quyết định tha hương, chấp nhận xa gia đình, lên Bắc Giang để tìm kiếm công việc có thu nhập cao hơn. 4 tháng nay, chị làm công nhân may ở Công ty TNHH Crystal Martin (Bắc Giang).
“Tôi đã có tay nghề nên công ty nhận ngay, không phải qua giai đoạn đào tạo. Hiện nay, lương cơ bản của tôi được 5.468.000 đồng/tháng; phụ cấp được 1,2 triệu đồng/tháng. Tính cả tiền làm thêm, thu nhập của tôi được khoảng 12 triệu đồng/tháng” - chị Huệ kể.
Với mức thu nhập này, chị có thêm tiền để gửi cho con thứ 2 đang học lớp 12, chuẩn bị ôn thi đại học. Đã ngoài 40 tuổi nhưng vẫn phải xa gia đình mưu sinh, chị bảo, vì hoàn cảnh khó khăn nên chị đành phải chấp nhận; nếu ở quê sẽ không có đủ tiền để nuôi các con ăn học.
Hiện chị Huệ đang thuê trọ cùng một người cháu cũng đi làm công nhân. Mỗi tháng, chị mất 500.000 đồng tiền thuê nhà. Cứ cuối tuần, chị lại đi xe máy, vượt qua quãng đường hơn 100km, mất 2,5 giờ để về quê. “Cháu thứ 2 đang trong giai đoạn ôn thi quan trọng, nên tôi muốn về chăm sóc, động viên cháu” - nữ công nhân nói.
Điều chị Huệ lo lắng là chị đã rút bảo hiểm xã hội 1 lần, nên với độ tuổi đã ngoài 40 này, khi bắt đầu lại từ đầu, rất khó đủ điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội để sau này được hưởng lương hưu. “Trước mắt, tôi đi làm xa để trang trải cuộc sống gia đình. Sau này về quê thì sẽ trồng trọt, chăn nuôi để mưu sinh” - chị Huệ nói.
Nhiều hoạt động ý nghĩa hướng tới công nhân
Cũng gặp nhiều áp lực mưu sinh khi tuổi đã cao như chị Huệ là chị Hoàng Thị Ngà (50 tuổi). Chị Ngà có quãng thời gian làm công nhân 21 năm. Hiện chị đang làm việc tại Công ty Matsuoka Việt Nam.
Cuộc sống của chị đỡ vất vả hơn chị Huệ khi đã có nhà ở thị xã Việt Yên. Chị cho biết, tổng thu nhập của chị, kể cả tăng ca là 7-8 triệu đồng/tháng. Chồng chị làm nghề tự do, thu nhập không ổn định. Với thu nhập kiếm được từ nghề công nhân, chị phải vun vén, xoay xở lắm mới đủ để chăm lo cho gia đình. Con lớn của chị vừa học xong thì lại đến con thứ 2 bước vào lớp 10, với nhiều lo toan, áp lực mới...
Những công nhân như chị Huệ, chị Ngà thêm niềm vui khi được dự Chương trình Tết Sum vầy - Xuân ơn Đảng gắn với chương trình Chợ Tết Công đoàn năm 2025 dành cho công nhân lao động do LĐLĐ tỉnh Bắc Giang tổ chức từ ngày 10-12.1.2025.
Chương trình có khoảng 60 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia với 100 gian hàng; các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cam kết bán các sản phẩm, hàng hóa chất lượng tốt với giá ưu đãi; hơn 20 đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh ủng hộ hàng hóa cho Gian hàng 0 đồng dành cho công nhân lao động.
Tại chương trình, LĐLĐ tỉnh Bắc Giang trích kinh phí tặng trực tiếp 200 suất quà Tết cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn (trị giá 800.000 đồng/suất) và 100 vé xe cho lao động quê xa về quê đón Tết; trao kinh phí hỗ trợ xây “Mái ấm Công đoàn” cho 9 đoàn viên (tổng trị giá 320 triệu đồng)...
Công nhân lao động còn được tư vấn pháp luật, bốc thăm trúng thưởng, thi gói bánh chưng và bày mâm ngũ quả ngày Tết, dân vũ thể thao, nhảy bao bố, kéo co; tham gia “hát cho công nhân nghe - nghe công nhân hát”…
https://laodong.vn/cong-doan/nhieu-hoat-dong-ho-tro-cac-nu-cong-nhan-lon-tuoi-tai-bac-giang-1449554.ldo