Đã gần chục năm gắn bó với điểm trường này, thầy giáo Hoàng Văn Ngọc cho biết, những năm trước, đường vào điểm trường rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ. Điện lưới và sóng điện thoại chưa có. Khi ấy, mỗi khi có việc muốn liên lạc về gia đình thì thầy giáo và các đồng nghiệp ở đây phải lên đồi cao để dò sóng điện thoại.
“Bây giờ đường sá đi lại thuận lợi hơn nên 2 năm học gần đây, Trường Tiểu học Liêng Srônh đã tổ chức khai giảng ngay tại Điểm trường 179. Thế nên, thầy trò chúng tôi rất vui mừng, hân hoan bước vào năm học mới” - thầy giáo Hoàng Văn Ngọc phấn khởi cho hay.
Tương tự, thầy giáo Rơ Ông Ha Tồng chia sẻ: "Tôi tình nguyện vào đây dạy học từ năm học 2023 - 2024, khi vừa tốt nghiệp trường sư phạm. Dù ở xa nhưng giáo viên cắm bản như chúng tôi luôn được lãnh đạo nhà trường và Công đoàn động viên, chia sẻ. Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng tôi rất vui, vì được làm đúng nghề mà mình yêu thích” - thầy giáo Ha Tồng bày tỏ.
Bà Bùi Thị Là – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Đam Rông thông tin, Điểm trường 179 được thành lập từ tháng 9.2013. Đây là điểm trường xa nhất của huyện và còn nhiều khó khăn.
Từ trường chính đến điểm trường này cách nhau gần 60km đường rừng. Con đường duy nhất này phải qua các xã Quảng Hòa và Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông).
Theo bà Là, lúc mới thành lập chỉ có hai lớp 1 với 57 học sinh. Các em đều là con em đồng bào dân tộc Mông từ các tỉnh phía Bắc di dân tự do đến đây sinh sống. Năm học này, Điểm trường 179 đã có 5 lớp với 102 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5.
“Hiện chúng tôi chỉ bố trí được 3 giáo viên nam công tác ở đây. Điều kiện dạy học và sinh hoạt rất khó khăn do giao thông cách trở, lại chưa có điện lưới. Anh em giáo viên cắm bản ở đây là những người rất tâm huyết với nghề và trách nhiệm với học sinh” - bà Bùi Thị Là chia sẻ.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Trường, đã từng công tác ở điểm trường và được chuyển ra trường chính. Năm học này thầy Trường tiếp tục tình nguyện quay trở lại điểm trường để làm công tác giảng dạy. Theo thầy Trường, người dân mong sớm có đường từ huyện thẳng đến đây. Có điện lưới để phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
“Có sợi dây vô hình níu chân chúng tôi tiếp tục cắm bản dạy học. Đó là sự đùm bọc, che chở của dân bản và trong đó là những ánh mắt hồn nhiên của con trẻ. Chúng tôi mong muốn trao con chữ cho các em vùng núi thắp lên ước mơ tươi sáng” - thầy giáo Nguyễn Ngọc Trường chia sẻ.
https://laodong.vn/ldld-lam-dong/noi-niem-giao-vien-cam-ban-day-chu-o-vung-sau-lam-dong-1389912.ldo