Những chuyến phà chở kỷ niệm
Năm 2014, bến phà Đống Cao được thành lập và hoạt động để đảm bảo thông suốt giao thông trên quốc lộ 37B qua sông Đào, nối hai huyện Nghĩa Hưng và Ý Yên (tỉnh Nam Định). Bà Hoàng Thị Duyên - Bến trưởng bến phà Đống Cao - cho biết, bến phà có 3 phương tiện chở khách gồm 2 phà tự hành và 1 phà 1 lưỡi. Hằng ngày, phà bắt đầu hoạt động từ 4h30 và kết thúc vào 21h.
“Năm 2016 tôi bắt đầu nhận nhiệm vụ làm bến trưởng tại bến phà Đống Cao. Nhiệm vụ của chúng tôi là đưa hành khách qua sông an toàn, đảm bảo giao thông tại hai đầu bến không bị ùn tắc. Khung giờ cao điểm nhất của phà là sáng và chiều, chủ yếu phục vụ công nhân đi lại. Tôi cũng như công nhân lao động ở đây, khi vào ca làm đa phần là ở khu vực phà nên khách đi phà đã quá quen mặt, cứ gặp là chào hỏi. Nhiều khách trở thành thân quen, chỉ cần gật đầu, mỉm cười cũng đã hiểu” - bà Duyên chia sẻ.
Suốt nhiều năm đi vào hoạt động, phà Đống Cao đã trở thành một phần không thể thiếu, như gắn liền với cuộc sống người dân đôi bờ. Anh Vũ Văn Tuân (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) kể: “Bao năm nay tôi làm công nhân bên Nghĩa Hưng nên ngày hai lần di chuyển qua phà Đống Cao. Tôi và người dân nơi đây rất mừng vì sắp tới, cầu Đống Cao đi vào hoạt động, giúp đi lại thuận tiện hơn. Tuy nhiên, hơn 5 năm nay thường ngày vẫn đi lại trên những chuyến phà, có ngày tôi tranh thủ ăn sáng chiếc bánh mì ngay trên phà, khiến tôi khó tránh khỏi cảm giác lưu luyến khi phà sắp dừng hoạt động”.
Khi cầu Đống Cao chính thức thông xe là lúc tuyến phà vượt sông Đào hoàn thành “sứ mệnh”, ai cũng hiểu cây cầu sẽ giúp đi lại thuận tiện, mở ra cơ hội phát triển nhưng không khỏi tiếc nhớ những tuyến phà chở đầy kỷ niệm.
Nỗi niềm của công nhân gắn bó nhiều năm
Gắn bó với bến phà Đống Cao từ những ngày đầu hoạt động, ông Vũ Văn Tuyến (công nhân bến phà) cho hay: “Công việc của tôi gắn với vùng sông nước đã hơn 30 năm, trước đây, tôi làm ở cầu phao Ninh Cường (tỉnh Nam Định). Năm 2016, tôi chuyển về phà Đống Cao công tác. Thời điểm cầu Đống Cao khởi công, bản thân tôi có phần hụt hẫng, bởi khi cầu xây dựng xong cũng là lúc phà dừng hoạt động, không biết công việc sau này sẽ như thế nào?”.
Cùng chung tâm trạng, thuyền trưởng Trần Văn Đại bày tỏ: “Tôi làm lái tàu nên đặc trưng công việc phải đứng ở cabin, nghe tiếng ồn của máy nhiều khiến tôi bị nặng tai. Chính vì vậy tôi quen nói to hơn so với bình thường, nhiều khách lại tưởng tôi quát. Lâu dần mọi người cũng hiểu và thông cảm cho tôi. Đã quá quen với công việc này mỗi ngày, khi mà phà không hoạt động nữa, tôi sẽ rất nhớ công việc, chắc phải mất một thời gian tôi mới quen được”.
Hiện tại, số lượng công nhân lao động phục vụ tại bến phà Đống Cao là 22 người, chia làm 2 ca. Được biết, khi phà dừng hoạt động, những nhân viên làm việc tại bến phà còn trong độ tuổi lao động sẽ được bố trí công việc mới.
Bến trưởng bến phà Đống Cao Hoàng Thị Duyên cho biết thêm, lãnh đạo công ty, các sở, ngành sẽ có phương án thống nhất hỗ trợ cho công nhân lao động tìm việc làm và bố trí những lao động còn độ tuổi lao động chuyển sang công việc duy tu, bảo trì cầu Đống Cao.
Bến phà Đống Cao sắp chỉ còn là hoài niệm, người lao động gắn bó với bến phà cũng chất chứa nhiều tâm tư. Tuy vậy, những ngày này, tất cả mọi người luôn sẵn sàng với công việc để đảm bảo an toàn cho người dân đi phà qua sông.
https://laodong.vn/cong-doan/noi-niem-cua-cong-nhan-ben-pha-dong-cao-nam-dinh-1425939.ldo