Công nhân phấn khởi tăng ca
Đã 22h giờ đêm, nhưng chị H’Wươn Adrơng (huyện Cư M’Gar) vẫn đang hăng say làm việc tại xưởng của Công ty TNHH KVD Vina (sản xuất mặt hàng lông mi, thuộc cụm công nghiệp Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột). Theo chị H’Wươn, đây là đợt cao điểm sản xuất. Chị H’Wươn Adrơng cùng các công nhân khác trong công ty cùng nhau cố gắng tăng ca, tăng kíp để kịp làm đủ sản phẩm cho những đơn hàng mà chủ doanh nghiệp đã ký hợp đồng với đối tác.
“Nhà tôi cách công ty gần 15km. Thế nên, đợt tăng ca này tôi phải thuê trọ ở gần công ty vì công việc sớm làm tới tận khuya mới xong. Giai đoạn này nếu cố gắng nỗ lực có thể lương mỗi tháng của tôi tăng thêm 6 đến 7 triệu đồng. Nếu từ đây tới Tết Nguyên đán, tình hình khả quan, tôi sẽ có thêm thu nhập từ 20 đến 25 triệu đồng để đón Tết cổ truyền” - chị H’Wươn Adrơng chia sẻ.
Tương tự, chị H’Kuết Ê ban (huyện Cư M’Gar) cũng hăng say làm việc để chờ đến ngày nhận lương thưởng và chế độ tăng ca. Chị H’Kuết Ê ban nói: “Tôi phấn đấu làm việc tăng ca những tháng cuối năm để cho gia đình mình có thêm tiền mua sắm thêm nhiều đồ dùng thiết yếu để đón Tết”.
Còn chưa đầy 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán, trong Khu công nghiệp Diên Phú, Khu công nghiệp Trà Đa, tỉnh Gia Lai, các phương tiện vận chuyển hàng hóa, dây chuyền sản xuất, nhà máy, công xưởng vẫn đang hoạt động hết công suất để kịp thời phục vụ các đơn hàng cho nhu cầu cuối năm.
Chị Ksor Lim (31 tuổi, công nhân Nhà máy Nutifood Cao Nguyên) chia sẻ: “Bước vào tháng 12 này, nhiều công nhân, trong đó có tôi đã liên tục đăng ký tăng ca, tăng kíp để cải thiện thêm nguồn thu nhập. Dù vất vả nhưng ai cũng vui vẻ, phấn khởi vì hy vọng có thêm lương”.
Anh Nguyễn Văn An - đại diện doanh nghiệp chuyên chế biến, sản xuất nông sản xuất khẩu tại Khu công nghiệp Trà Đa - cho biết: “Năm nay cà phê được mùa, được giá, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cũng có doanh thu khá tốt từ các thị trường nước ngoài. Do đó, doanh nghiệp sẽ chia sẻ lại một phần lợi nhuận qua hình thức thưởng Tết cho công nhân lao động”.
Đảm bảo lương, thưởng cho người lao động
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai, hiện đơn vị đang triển khai chương trình chăm lo Tết Sum vầy cho người lao động trên địa bàn. Năm nào cũng vậy, cán bộ công đoàn vượt đường sá xa xôi, tới tận vùng biên giới, các bản làng giữa núi rừng để trao tận tay món quà ý nghĩa, động viên người lao động vượt qua khó khăn.
Công đoàn các cấp không thể bỏ quên những lao động nghèo, bị tai nạn, mắc bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh neo đơn… Lời động viên, thăm hỏi, suất quà nhỏ hàng năm sẽ tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho họ vượt qua nghịch cảnh, tiếp tục tạo ra của cải cho xã hội, đóng góp cho doanh nghiệp.
“Dịp cuối năm, thường nổi lên các vấn đề như nợ lương, thưởng, số ít doanh nghiệp gặp khó khăn về tình hình kinh doanh, tài chính. Các cấp công đoàn đã có kinh nghiệm về việc này, ở cơ sở chủ động nắm bắt tình hình, tổ chức đối thoại, hòa giải, thương lượng giữa người lao động và doanh nghiệp. Mục đích làm sao hài hòa được lợi ích, đảm bảo quyền lợi lâu dài cho người lao động và để người lao động cuối năm có một cái Tết no đủ, vui vầy bên gia đình” - bà Thủy chia sẻ.
Ông Trần Mạnh Hùng - Phó Trưởng Ban quản lý Các khu công nghiệp Đắk Nông - cho biết: “Ngay từ cuối tháng 11.2024, chúng tôi đã yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn thông tin đầy đủ kế hoạch trả lương, thưởng trong dịp Tết Dương lịch 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 để người lao động biết.
Các đơn vị phải đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn theo kế hoạch trả lương, trả thưởng trong các dịp nghỉ Tết sắp tới cho người lao động. Từ đó, không để xảy ra tình trạng nợ lương, nợ thưởng của người lao động dẫn đến nguy cơ tranh chấp và bất ổn trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp”.
https://laodong.vn/cong-doan/nhieu-viec-lam-nguoi-lao-dong-o-tay-nguyen-phan-khoi-tang-ca-1430106.ldo