Kịp thời hỗ trợ, chăm lo cho người lao động
Chị Nguyễn Thị Di - công nhân lao động tại Công ty TNHH Giày APACHE Việt Nam (Khu công nghiệp Long Giang, tỉnh Tiền Giang) - cho biết, vợ chồng chị làm việc ở Công ty TNHH Giày APACHE Việt Nam. Cuối tháng 4.2023, không may căn nhà bị cháy rụi hoàn toàn khiến gia đình chị lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. “Với đồng lương ít ỏi, vợ chồng tôi không còn đủ khả năng để xây dựng lại căn nhà. Công đoàn đã hỗ trợ trao quà và tiền để tôi cất lại căn nhà” - chị Di nói.
Chị Lâm Bính Tuyền - công nhân làm việc ở Công ty TNHH MTV Choi & Shin’S Vina - chia sẻ, thời điểm năm 2023, doanh nghiệp không có đơn hàng, công nhân lao động rất khó khăn. Lúc này, chính sách của Tổng LĐLĐVN đã hỗ trợ kịp thời khiến cho đoàn viên công đoàn, người lao động ai nấy đều rất phấn khởi. “Nhận số tiền 1 triệu đồng hỗ trợ, đã giúp tôi xoay sở trong lúc khó khăn này” - chị Tuyền nói. Chị Tuyền cho biết thêm, doanh nghiệp không có đơn hàng nên cho công nhân lao động nghỉ không hưởng lương. Nhận được tiền hỗ trợ từ công đoàn như là “gói cứu sinh” giúp chị vượt qua khó khăn.
Nguồn lực để chăm lo cho người lao động
Ông Lê Võ Hữu Hạnh - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Freeview Việt Nam - cho biết, khoản kinh phí công đoàn luôn được công đoàn cơ sở công khai, minh bạch. Theo đó, hoạt động công đoàn sử dụng tài chính này đều thể hiện bằng văn bản, công đoàn cơ sở thực hiện quyết toán và công khai tại công ty. Người lao động, các cấp quản lý có thể biết được chi tiêu của công đoàn cơ sở, từ đó tạo niềm tin của đoàn viên, người lao động.
“Trong nhiều năm qua, công ty đã thực hiện tốt việc trích nộp kinh phí công đoàn 2% cùng với nguồn thu đoàn phí. Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Freeview Việt Nam đã sử dụng hợp lý, tiết kiệm và làm tốt nghĩa vụ trích nộp tài chính hằng tháng lên công đoàn cấp trên theo đúng quy định của Điều lệ Công đoàn. Khi tham gia công đoàn, người lao động được thăm hỏi, chăm lo trong các dịp lễ, Tết, khi ốm đau, tai nạn lao động; được tham gia các hoạt động văn hóa thể thao, nâng cao đời sống tinh thần, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm” - ông Hạnh nói.
Theo ông Hạnh, việc duy trì đóng kinh phí công đoàn rất có ý nghĩa với doanh nghiệp trong việc chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Từ kinh phí công đoàn, công đoàn cơ sở có nguồn kinh phí để thăm hỏi, trợ cấp cho đoàn viên công đoàn và người lao động khi ốm đau, thai sản, hoạn nạn, khó khăn, tổ chức các hoạt động chăm lo khác cho người lao động cũng như tổ chức các phong trào thi đua do công đoàn phát động.
Ông Nguyễn Trung Tần - Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế tỉnh Tiền Giang - cho biết, nguồn kinh phí công đoàn sẽ sử dụng vào 12 nhóm theo quy định của Luật Công đoàn. Trong đó, chủ yếu tập trung để thăm hỏi, trợ cấp cho đoàn viên và người lao động khi ốm đau, thai sản, hoạn nạn, khó khăn; tổ chức hoạt động chăm lo khác cho người lao động; động viên, khen thưởng người lao động, con của người lao động có thành tích trong học tập, công tác; tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch cho người lao động...
“Kinh phí Công đoàn được phân bổ 75% về công đoàn cơ sở để chủ động, kịp thời chăm lo thiết thực đời sống, tinh thần cho đoàn viên công đoàn, người lao động tại đơn vị” - ông Tần nói.
https://laodong.vn/cong-doan/nguoi-lao-dong-duoc-ho-tro-kip-thoi-tu-kinh-phi-cong-doan-1428385.ldo