Những giáo viên chưa một lần nhận thưởng Tết
Mùa xuân năm nay, không khí tại các điểm trường vùng cao trở nên rộn ràng và ấm áp hơn bao giờ hết. Lần đầu tiên sau hàng chục năm công tác, nhiều giáo viên nơi đây đã được nhận khoản thưởng Tết nhờ vào Nghị định số 73 của Chính phủ.
Niềm vui xen lẫn xúc động hiện rõ trên từng khuôn mặt những người thầy, người cô bám bản gieo chữ.
Đã gần 20 năm công tác ở các trường tiểu học, THCS vùng sâu, vùng xa của huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, cô giáo Phạm Trung Thông chưa một lần biết đến tiền thưởng Tết.
Nữ giáo viên chia sẻ: "Cả năm trời vất vả, những ngày cuối năm, ai cũng mong nhận được một chút gì đó để gọi là động viên. Nhưng trường chúng tôi không có thưởng Tết, dù chỉ là một gói quà nhỏ".
Cũng theo nhiều giáo viên vùng cao, không ít người trong số họ phải tự vay tiền để về quê ăn Tết, vì tiền lương tháng 12 thường được dùng để chi tiêu cho cả tháng Giêng.
Không chỉ thiếu thưởng, các khoản hỗ trợ khác như phụ cấp, tiền xăng xe cũng không đủ để bù đắp những vất vả của giáo viên miền núi. Trong khi đó, giá cả ở vùng cao thường đắt đỏ hơn nhiều so với miền xuôi, khiến đời sống của họ càng thêm chật vật.
Cùng công tác tại một trường THCS trên địa bàn huyện này, cô giáo Đặng Thị Hải (tên nhân vật đã được thay đổi) tâm sự: "Tôi công tác đến năm nay đã 23 năm và được điều động, luân chuyển đi đến những ngôi trường vùng sâu, vùng xa nhất trên địa bàn huyện. Thậm chí có những vùng không đường, không điện, chúng tôi phải mất 3-4 tiếng đồng hồ đi từ nhà đến điểm trường.
Có những ngày trời rét mướt, trời chạng vạng tối đi từ trường về nhà, chẳng may vấp phải hòn đá ngã ra giữa đường, vừa đau, vừa tủi, nhưng chúng tôi chưa bao giờ có suy nghĩ bỏ cuộc".
Vất vả là thế, nhưng theo nữ giáo viên này, với từng ấy năm, họ chưa bao giờ được nhận thưởng Tết.
"Do vậy, Nghị định 73 ra đời đã tiếp thêm hy vọng cho giáo viên vùng khó gắn bó với nghề, cũng là năm đầu tiên chúng tôi biết thế nào là thưởng Tết" - cô Hải nói.
Niềm vui trước thềm năm mới
Năm 2024, là năm đầu tiên cán bộ, công chức, viên chức cả nước được tăng lương 30%, mức lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng, đặc biệt giáo viên vẫn giữ được các khoản phụ cấp trong đó có phụ cấp thâm niên.
Bên cạnh đó, Nghị định 73 quy định mức lương và chế độ thưởng với công chức, viên chức và quân nhân, được Chính phủ ban hành cuối tháng 6.2024. Trong đó, tiền thưởng tính theo thành tích đột xuất và kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm.
Quỹ thưởng bằng 10% tổng quỹ lương (không tính phụ cấp). Đây là lần đầu tiên, công chức, viên chức có khoản này.
Cô giáo Thông cho hay: "Nếu tính theo Nghị định 73, tôi dự kiến sẽ được nhận gần 7 triệu đồng. Đây là lần đầu tiên chúng tôi có tiền thưởng Tết, số tiền không quá nhiều nhưng cũng giúp chúng tôi trang trải cuộc sống, mua sắm nhiều vật dụng trong gia đình".
Không riêng gì cô Thông, nhiều giáo viên tỏ rõ niềm phấn khởi trước khoản tiền thưởng này: "Trước đây, giáo viên vùng cao chỉ mong có đủ lương để trang trải cuộc sống. Nay được thưởng Tết, chúng tôi thấy ấm lòng hơn, cảm giác như công sức của mình đã được xã hội ghi nhận."
Ông Trần Văn Chiến - Hiệu trưởng Trường TH&THCS PTDTBT Nà Khoang (xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) - cho hay: "Mỗi năm, khi Tết đến, xuân về, nhà trường cũng cố gắng cân đối các khoản tiết kiệm chi để thưởng Tết cho giáo viên. Dù không nhiều nhưng cũng là động viên các cô sau một năm làm việc vất vả. Thế nhưng cũng không được nhiều, chỉ từ 300.000 - 500.000 đồng mỗi giáo viên".
"Nghị định 73 đã ghi nhận công sức của công chức, viên chức, đặc biệt là đội ngũ giáo viên miền núi. Đó không chỉ là món quà vật chất mà còn là lời tri ân, sự khích lệ đối với chúng tôi" - ông Chiến nói.
Mùa xuân này, niềm vui dường như trọn vẹn hơn với các thầy cô giáo miền núi. Tiếng cười rộn rã vang lên khắp các bản làng, hòa quyện cùng sắc xuân đang về.
https://laodong.vn/cong-doan/mang-hi-vong-toi-giao-vien-20-nam-khong-co-thuong-tet-1451820.ldo