Trang chủCông nhân 360Đời sống Công nhân
Đời sống Công nhân
Cập nhật lúc 02:12 04/07/2023 (GMT+7)
Lãng phí nguồn lao động thực tập sinh từ Nhật Bản

Chúng ta có một nguồn lao động thực tập sinh rất lớn từ Nhật Bản. Tuy nhiên sau khi thực tập xong trở về nước, kĩ năng và kinh nghiệm của phần lớn thực tập sinh không được tận dụng, gây lãng phí tài nguyên lao động.

Lãng phí nguồn lao động thực tập sinh từ Nhật Bản
Thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản. Ảnh: nozomijapan.vn

26 nghìn thực tập sinh

Xuất khẩu lao động và thực tập sinh là một trong những mối quan hệ kinh tế đặc biệt giữa Việt Nam và Nhật Bản. Và mối quan hệ đặc biệt này được bàn luận rất sôi nổi tại hội thảo khoa học quốc tế “Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: Nhìn từ lịch sử, hướng về tương lai”.

Hội thảo do Trường Đại học Đông Á tổ chức ngày 1.7 tại Đà Nẵng nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2023).

Theo Cục Quản lí lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 142.779 người, tập trung chủ yếu ở ba thị trường Đông Á, trong đó Nhật Bản tiếp nhận nhiều nhất (67.295 người).

Hiện lao động người Việt Nam tại Nhật lên tới 440.000, trong đó có đến 26.000 thực tập sinh (thống kê cuối năm 2022), chiếm 60% số thực tập sinh nước ngoài tại Nhật. Thực tập sinh là một chính sách của Nhật, được triển khai từ năm 1981, nhằm đưa một số lao động đang làm việc tại các công ty của họ ở châu Á sang tu nghiệp, học tập kĩ thuật tại Nhật.

Chỉ có 26,7% cựu thực tập sinh Việt Nam đang làm việc

Theo Giáo sư Trần Văn Thọ, Giáo sư danh dự, Đại học Waseda, Nhật Bản, trong 30 năm qua, đã có khoảng 2 triệu thanh niên châu Á, chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan đã đến Nhật theo hình thức thực tập sinh kĩ năng và khi về nước nhiều người đã trở thành những người quản lí ở nhà máy hoặc tự mình khởi nghiệp.

Tuy nhiên, thực tập sinh Việt Nam cho đến nay, chất lượng và hiệu quả thì rất hạn chế vì các nguyên nhân sau.

Thứ nhất, việc tổ chức gửi thực tập sinh sang Nhật không được tốt, gây ra tình trạng người xin đi thực tập phải tốn một chi phí quá lớn. So với thực tập sinh đến từ các nước châu Á khác, thực tập sinh Việt Nam tốn số tiền bảo đảm cao gấp nhiều lần. Do phải vay nợ để chi cho các khoản tiền môi giới quá lớn nên nhiều người sang Nhật lo làm thêm mọi việc để có thu nhập, thay vì chuyên tâm học tập chuyên môn. Số người Việt Nam phạm tội ở Nhật tăng một phần có bối cảnh đó.

Thứ hai, sau khi thực tập xong trở về nước, kĩ năng và kinh nghiệm của nhiều thực tập sinh không được tận dụng.

Theo điều tra của Tổ chức thực tập sinh kĩ năng Nhật Bản vào năm 2019 về hiện trạng của thực tập sinh châu Á sau khi về nước, Việt Nam chỉ có 26,7% là đang làm việc (số còn lại đang tìm việc làm hoặc có các định hướng mới). Trong số những người đang làm việc chỉ có 51% là làm đúng với chuyên môn đã thực tập tại Nhật.

Như JICA nhận xét, Việt Nam là hiện tượng lãng phí nguồn nhân lực đã được bồi dưỡng trong các chương trình thực tập. Trong lúc đó tại Việt Nam, nhiều nhà máy đang thiếu lao động có kĩ năng. Nguyên nhân có sự lãng phí này là do thiếu tổ chức ở phía các nhà quản lí ở Việt Nam.

https://laodong.vn/cong-doan/lang-phi-nguon-lao-dong-thuc-tap-sinh-tu-nhat-ban-1212293.ldo

HOÀNG VĂN MINH (báo lao động)

 
In
Về đầu
Lượt truy cập: