Kinh tế số: Từ "văn phòng không giấy, ruộng không dấu chân" đến động lực tăng trưởng
LTS: Cuối tháng 12.2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban. Đây là dấu mốc quan trọng thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước trong việc thúc đẩy hiện đại hóa nền công nghiệp và phát triển kinh tế, xã hội. Chính phủ ngay lập tức triển khai Nghị quyết, tiếp nối các chính sách đã đạt kết quả tích cực. Nghị quyết 57 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế số.
Báo Lao Động với tuyến bài “Động lực phát triển từ kinh tế số” sẽ ghi nhận các thành tựu và giải pháp nhằm phát triển kinh tế số trong kỷ nguyên mới.
Kinh tế số - động lực tăng trưởng và phát triển bền vững
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang thúc đẩy xu hướng số hóa, làm kinh tế số trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Tại Việt Nam, kinh tế số không chỉ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải thiện doanh nghiệp, mà còn mở ra cơ hội cho người sản xuất và tiêu dùng, nâng cao năng suất lao động và chất lượng cuộc sống, góp phần vào tăng trưởng bền vững.
Từ những cánh đồng "không dấu chân"
Từng làm việc trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở Nhật Bản, anh Lê Đình Mạnh (xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đã được trải nghiệm mô hình trồng rau thủy canh trong nhà lưới. Thấy được hiệu quả kinh tế cao từ mô hình này, từ đầu năm 2023, anh Mạnh đã về Việt Nam và áp dụng công nghệ này vào mô hình sản xuất nông nghiệp của mình.
Hiện tại, anh Mạnh có 2 nhà lưới trồng rau thủy canh với quy mô khoảng 1.300m2. Nhờ ứng dụng công nghệ như máy cắt nắng, giàn phun sương, chế độ hẹn giờ cung cấp chất dinh dưỡng tự động,... công việc của các công nhân tại vườn rau nhà anh Mạnh đã nhẹ nhàng hơn nhiều.
Ở Việt Nam, kinh tế số đã không chỉ giới hạn ở các tập đoàn lớn hay các văn phòng hiện đại, mà còn lan rộng đến những cánh đồng, tới những người nông dân. Việc áp dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp đang mở ra nhiều cơ hội mới cho người nông dân, giúp họ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tiếp cận thị trường dễ dàng hơn.
Nhiều địa phương trên cả nước đang triển khai mô hình cánh đồng "không dấu chân", áp dụng công nghệ cao trong mọi công đoạn sản xuất, từ làm đất, gieo mạ, cấy, phun thuốc trừ sâu đến thu hoạch, đều được thực hiện bằng máy móc hiện đại, giảm thiểu sự tham gia trực tiếp của con người. Nhờ cơ giới hóa đồng bộ và ứng dụng khoa học kỹ thuật, mô hình này không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm chi phí sản xuất mà còn thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, từ nhỏ lẻ sang nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Theo chân đội phun thuốc bằng drone (thiết bị bay không người lái) của HTX Nông nghiệp Nghĩa Thắng ở xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) ra đồng phun thuốc thuê cho nông dân mới thấy việc sản xuất lúa giờ vô cùng tiện lợi. Sau các bước quan sát, chọn điểm đáp an toàn ít vật cản, định vị ruộng lúa sẽ phun, một thành viên trong Tổ pha thuốc rồi cho vào bình, thành viên còn lại bắt đầu điều khiển máy bay. Chỉ trong 10 phút, chiếc drone đã phun đều toàn bộ hơn 1ha lúa của một hộ dân.
“Nhanh gọn, hiệu quả, làm nông bây giờ khỏe lắm. 1ha lúa này mà phun kiểu truyền thống gần cả 1 ngày mới xong, thuê nhân công cũng 500.000 đồng, còn phun bằng máy bay chỉ tốn 100.000 đồng/bình/6.000m2. Nhờ vậy tiết kiệm được chi phí sản xuất nhiều”, nông dân Út Mai nói.
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Sóc Trăng có trên 140 thiết bị bay không người lái phục vụ phun thuốc, bón phân, sạ lúa. Người dân không còn trực tiếp tiếp xúc với các loại thuốc bảo vệ thực vật, giảm ô nhiễm môi trường, nguồn nước, đất đai. Việc gieo sạ lúa bằng máy bay giúp sạ đều, thời gian nhanh, giải phóng sức lao động, giảm chi phí mùa vụ.
Ông Hà Sỹ Đồng - quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, đã đề nghị ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh xây dựng các đề án, chính sách đặc thù để khuyến khích dồn điền, đổi thửa, hướng đến cánh đồng “không dấu chân” để giúp nông dân tăng năng suất và hiệu quả trong sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Kinh tế số tăng trưởng mạnh qua từng năm
Có thể thấy rằng, kinh tế số đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế.
Các lĩnh vực như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử,... không chỉ mang lại những thay đổi tích cực trong cách các doanh nghiệp, các tổ chức vận hành hoạt động mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho cả người sản xuất và người tiêu dùng, cũng như làm thay đổi hành vi và thói quen của cá nhân trong xã hội. Trước mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, kinh tế số đóng vai trò trung tâm trong việc nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỉ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP năm 2024 ước đạt 13,17%, với quy mô đạt hơn 1,5 triệu tỉ đồng, tương đương khoảng hơn 62 tỉ USD, tăng hơn 14% so với năm 2023.
Trao đổi với Lao Động, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) thông tin - sở dĩ tốc độ tăng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP tăng cao do các ngành kinh tế số lõi tăng cao, đặc biệt là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học chiếm hơn 32% (tăng khoảng 16%); các ngành kinh tế số lõi khác như: Bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm, linh kiện điện tử, viễn thông, xuất bản phần mềm, Viễn thông, Lập trình máy vi tính, cổng thông tin… chiếm khoảng 30% có xu hướng tăng (tăng gần 13%) so với năm 2023.
Các ngành dịch vụ có giá trị tăng thêm tạo ra do ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như trong công tác quản lý điều hành (hay còn gọi là số hóa của các ngành kinh tế khác) có xu hướng tăng lên nhờ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghệ số.
Trung bình giai đoạn 2020-2024, tỉ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP ước đạt 12,88%, trong đó kinh tế số lõi là 7,99% và số hóa các ngành kinh tế khác là 4,89%. Các ngành dịch vụ có xu hướng số hóa hay ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng tăng thể hiện qua tỉ trọng giá trị tăng thêm từ hơn 6,5% năm 2020 lên gần 7,2% năm 2024.
"Xu hướng số hóa của các ngành ngày càng chiếm tỉ trọng lớn trong GDP. Từ mức 4,75% vào năm 2020, tương đương khoảng 0,38 triệu tỉ đồng, tỉ trọng số hóa đã tăng lên 5,01% vào năm 2024, đạt khoảng 0,58 triệu tỉ đồng, tăng 50% so với năm 2020. Điều này phản ánh nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương trong việc thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin, truyền thông và số hóa các ngành kinh tế" - bà Nguyễn Thị Thu Hương nhấn mạnh.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ hệ thống Tài khoản quốc gia, trong thời gian tới, nền kinh tế số của Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển nhờ vào sự thúc đẩy của các yếu tố như sự phổ biến của các ứng dụng số hóa và lực lượng lao động công nghệ có tay nghề cao, đặc biệt sự tham gia tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
"Với xu hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh và quản lý điều hành các ngành, lĩnh vực như thương mại, tài chính ngân hàng, và quản lý nhà nước, giá trị số hóa trong GDP sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2025 và các năm tới" - bà Hương cho hay.
https://laodong.vn/xa-hoi/kinh-te-so-tu-van-phong-khong-giay-ruong-khong-dau-chan-den-dong-luc-tang-truong-1448275.ldo
NHÓM PHÓNG VIÊN (BÁO LAO ĐỘNG)