Hơn 77 tỷ đồng đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở cho công nhân Cao su
Xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở là hoạt động cần thiết nhằm nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho CNLĐ, đặc biệt là CNLĐ ở các vùng sâu, vùng xa khó khăn và có tính đặc thù như cao su.
Giai đoạn 2015-2018, các đơn vị trong ngành đã đầu tư hơn 77 tỷ đồng để nâng cao, sửa chữa, xây dựng mới các thiết chế văn hóa cơ sở. Trong đó, xây dựng và sửa chữa 423 sân bóng chuyền, 99 sân bóng đá, 197 sân cầu lông, 23 sân quần vợt, 28 nhà văn hóa, 26 góc văn hóa công đoàn.
Hầu hết các thiết chế văn hóa thể thao đều được đầu tư trang thiết bị phù hợp với nhu cầu và điều kiện của đơn vị, đảm bảo cho nhu cầu vui chơi giải trí, trao đổi, tìm kiếm thông tin, tri thức, rèn luyện thể lực, thể thao của CNLĐ. Quy mô đầu tư xây dựng theo nhiều cấp độ, từ kiến cố theo mô hình trung tâm, cụm văn hóa, thể thao cho đến các sân chơi thể thao được xây dựng thô sơ, tự phát tại các lô cao su, nhà xưởng.

Các hoạt động văn hóa văn nghệ thường xuyên được tổ chức tại đây, thu hút hàng nghìn lượt CNLĐ tham gia. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tổ chức “Hội thao CNVCLĐ” hoặc “Hội diễn CNVCLĐ” 2 năm một lần tại các khu vực, tạp hiệu ứng, sức lan tỏa trong phong trào CNLĐ. Từ đó, xuất hiện nhiều nòng cốt trong phong trào văn nghệ thể thao là CNLĐ tại các nông trường, xí nghiệp
Xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở là hoạt động cần thiết nhằm nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho CNLĐ, đặc biệt là CNLĐ ở các vùng sâu, vùng xa khó khăn và có tính đặc thù như cao su. Nhiệm kỳ 2018-2023, Công đoàn Cao su Việt Nam đặt chỉ tiêu mang tính đột phá xây dựng 2-3 Làng công nhân cao su kiểu mẫu. Nơi đó có 100 hộ gia đình, diện tích từ 500 – 1.000m², vừa làm nhà ở, vừa có thể chăn nuôi, trồng rau để tăng gia sản xuất. Sáng công nhân sẽ ra lô sản xuất, chiều về sẽ tăng gia sản xuất trên mảnh đất trong làng công nhân. Đây cũng là giải pháp nhằm giải quyết nhà ở, đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình cho công nhân.
N.Tú