Cần cảnh giác với những loại ma túy mới
Công nhân lao động cần tỉnh táo và cảnh giác, tự phòng ngừa cho bản thân, không sử dụng các loại thực phẩm, đồ uống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đã được cảnh báo để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình.
Dạng ma túy này được tiêu thụ gần các trường học, khu vui chơi giải trí sẽ cực kỳ nguy hiểm, gây tác hại khôn lường cho xã hội. Ánh: Báo NLĐ
Hiện nay, ngày càng có nhiều loại ma túy mới, nguy hiểm và khó kiểm soát hơn xuất hiện trên thị trường, tìm cách len lỏi vào cuộc sống xã hội. Bình quân mỗi tuần trên thế giới lại có thêm 1 chất hướng thần mới và hiện có tới trên 900 loại hướng thần chưa có trong danh mục cần kiểm soát. Các loại ma túy mới này không chỉ xuất hiện dưới các dạng truyền thống như dạng viên, dạng bột, dạng tem… mà còn được trộn vào nhiều loại thực phẩm, đồ ăn, thức uống.
Thực phẩm (các loại bánh kẹo) có chứa chất ma túy được sản xuất, đóng gói được cấp phép của cơ quan chức năng ở một số nước trên thế giới với hàm lượng quy định có ghi trên bao bì sản phẩm và có cảnh báo người dùng. Vừa qua, cơ quan chức năng đã ghi nhận nhiều trường hợp các đối tượng lén lút mang vào Việt Nam phát tán sử dụng dẫn đến ngộ độc như ở Hạ Long, Quảng Ninh. Loại này người dùng có thể bị nhầm lẫn dùng quá liều gây nguy hiểm đến tính mạng.
Ma túy được pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống là thủ đoạn tinh vi của tội phạm nhằm che giấu cơ quan chức năng để vận chuyển, mua bán trót lọt chất ma túy. Các sản phẩm “núp bóng” đã phát hiện ở nước ta như: (1) Nước trái cây “Crispy Fruit” hương dâu, hương nho, hương xoài, chứa chất Bromazepam, Nimetazepam đều là chất ma túy (thuộc danh mục III, Nghị định 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ); (2) Socola nhãn hiệu “Chill Max” có chứa chất ma túy ADB-BUTINACA thuộc Danh mục IIC, Nghị định 57); các loại “nước vui”, “nước biển” chứa chất ma túy GHB (thuộc danh mục IIC, Nghị định 57); (3) Bánh cần, bánh lười “Lazy cakes” chứa cần sa; (4) Nước nho chứa Ketamine; trà chanh, nước giải khát chứa chất ma túy Ketamine, MDMA; ma túy “đông trùng” chứa Nimetazepam được ngụy trang trong các gói nhỏ in hình đông trùng hạ thảo trên bao bì.
Đặc điểm của các loại ma túy “núp bóng” này là có bao bì bắt mắt ngụy trang dưới dạng thực phẩm, bánh kẹo, nước giải khát; gây ảo giác mạnh, thậm chí tử vong nếu sử dụng quá liều.
Ma túy “núp bóng” thảo mộc dạng “Cỏ Mỹ”: Đối tượng tẩm dung dịch có chứa chất ma túy ADB-BUTINACA vào thảo mộc rồi đóng gói thành loại thuốc lá gói hiệu “Tobaco”, thuốc lá điếu hiệu “Hitton” và pha dung dịch có chứa chất ma túy ADB-BUTINACA bơm vào cây thuốc lá điện tử POD.
Gần gũi nhất với đời sống công nhân lao động là shisa, thuốc lá điện tử. Shisa còn có tên gọi khác là “thuốc lào Ả Rập” không phải ma túy nhưng quá trình sử dụng nó, đặc biệt là nước trong bình hút shisa rất dễ bị pha, hòa ma túy đá. Tương tự như vậy là thuốc lá điện tử, tinh dầu dùng để hút có nguy cơ rất cao bị pha trộn, tẩm cần sa. Đây là những mối nguy hiểm khiến các công nhân lao động rất dễ sử dụng ma túy trong vô thức mà không hề hay biết.
Công nhân lao động cần tỉnh táo và cảnh giác, tự phòng ngừa cho bản thân, không sử dụng các loại thực phẩm, đồ uống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đã được cảnh báo để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình.
THU HUỆ