Việt Nam đón 14 Bộ trưởng Châu Phi đến tìm hiểu mô hình OCOP
Diễn đàn cấp cao liên khu vực về mô hình OCOP góp phần định vị Việt Nam như một “điểm đến tri thức” về phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với giá trị bản địa, chuỗi giá trị cộng đồng và hội nhập thương mại quốc tế.
Ngày 15.7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp cùng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tổ chức Diễn đàn cấp cao liên khu vực về mô hình OCOP. Đây là diễn đàn quy mô cấp Bộ trưởng, sẽ có sự tham gia của Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam cùng hơn 14 Bộ trưởng châu Phi.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam cho biết: "Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là OCOP), là một chương trình phát triển kinh tế nông thôn được triển khai trong khuôn khổ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. OCOP hướng đến việc khơi dậy các tiềm năng, lợi thế đặc thù ở từng vùng nông thôn, từ tài nguyên đất đai, đặc sản nông sản địa phương, tri thức bản địa đến giá trị văn hóa truyền thống. Quan trọng hơn cả là tinh thần đúc kết cộng đồng, yếu tố tạo nên giá trị đa chiều cho sản phẩm.
Toàn cảnh Diễn đàn cấp cao liên khu vực về mô hình OCOP. Ảnh: Thùy Linh.
Từ năm 2018 đến nay, cả nước đã có trên 16.000 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, với khoảng 9.000 chủ thể tham gia sản xuất, trong đó có hơn 3.000 hợp tác xã. Đây là kết quả rất đáng khích lệ, thể hiện sự lan tỏa mạnh mẽ của chương trình".
Các cuộc đối thoại cấp cao tại hội thảo xoay quanh mô hình “Mỗi Quốc gia Một sản phẩm ưu tiên” (phiên bản OCOP quốc tế), hướng đến mục tiêu tăng năng suất, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời truy xuất nguồn gốc rõ ràng và mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường.
Diễn đàn tập trung vào 3 chủ đề chính: Giới thiệu kinh nghiệm của Việt Nam trong triển khai chương trình OCOP; Thảo luận cấp Bộ trưởng về đóng góp của OCOP cho Chuyển đổi hệ thống nông nghiệp và lương thực - thực phẩm theo hướng bền vững và có tính chống chịu; Đối thoại về tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và các sáng kiến cho chuyển đổi hệ thống nông nghiệp và lương thực - thực phẩm.
Một số sản phẩm OCOP được trưng bày tại Diễn đàn. Ảnh: Thùy Linh.
Các ý kiến từ các không gian chia sẻ kinh nghiệm và các bài học thành công cho phát triển chương trình OCOP, giúp tăng cường tiếp cận thị trường, thương mại và đầu tư, cũng như nâng cao dinh dưỡng của các sản phẩm đặc sản.
Không chỉ dừng ở việc chia sẻ một chiều. Đây còn là cơ hội để Việt Nam lắng nghe, học hỏi từ những kinh nghiệm bản địa của Châu Phi - châu lục đang trỗi dậy mạnh mẽ, sở hữu nhiều loại nông sản đặc hữu như ca cao, cà phê, điều, bông… Việc kết nối này có thể mở ra hướng xây dựng chuỗi giá trị liên khu vực, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và thậm chí hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ giữa các nước phương Nam.
Các phiên đối thoại mở là tiền đề để hình thành mạng lưới kết nối đa chiều, giữa các Bộ, ngành, giữa các địa phương, giữa doanh nghiệp OCOP Việt Nam với các đối tác châu Phi và các tổ chức quốc tế như FAO. Chính những mạng lưới này sẽ duy trì xung lực hành động, biến cam kết hợp tác thành những dự án, hợp đồng, chuỗi giá trị chung.
https://laodong.vn/xa-hoi/viet-nam-don-14-bo-truong-chau-phi-den-tim-hieu-mo-hinh-ocop-1540425.ldo
Huy Hoàng (báo lao động)