Thời sự
Cập nhật lúc 10:00 14/05/2025 (GMT+7)
Vị thế của Công đoàn Việt Nam tiếp tục được nâng cao khi sửa Hiến pháp

Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất) đã bổ sung thêm nội dung liên quan đến Công đoàn Việt Nam.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 14.5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Phát biểu góp ý, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đánh giá rất cao kết quả làm việc của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong việc chuẩn bị hồ sơ dự thảo Nghị quyết.

Quang cảnh phiên họp sáng 14.5 của Quốc hội. Ảnh: Quochoi
Quang cảnh phiên họp sáng 14.5 của Quốc hội. Ảnh: Quochoi

Tiếp tục góp ý xây dựng dự thảo Nghị quyết, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhất trí cao với quy định tại Điều 9 và việc kế thừa quy định về Công đoàn Việt Nam tại Điều 10 của Hiến pháp (sửa đổi), các quy định này có ý nghĩa quan trọng trong khẳng định bản chất của hệ thống chính trị nước ta.

Theo đại biểu, Điều 10 Hiến pháp được bổ sung cụm từ "là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn".

Đại biểu cho rằng, việc bổ sung này là cần thiết để khẳng định vai trò không thể thay thế của Công đoàn Việt Nam trong đại diện cho giai cấp công nhân và người lao động ở cấp quốc gia và quốc tế.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa góp ý vào dự thảo Nghị quyết
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất). Ảnh: Quochoi

Tuy nhiên, đại biểu Nghĩa cũng cho biết, Luật Công đoàn 2012, Luật Công đoàn 2024 cũng như Luật Công đoàn được sửa đổi tại Kỳ họp này đều quy định Công đoàn Việt Nam gồm nhiều cấp. Trong đó, cấp trung ương là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

"Trên thực tế, chỉ có tổ chức công đoàn ở cấp Trung ương - tức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là có thẩm quyền đại diện của người lao động ở cấp quốc gia và quốc tế về công đoàn, như tham gia Hội đồng tiền lương quốc gia, tham gia các hoạt động của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) và tham gia là thành viên của Liên hiệp Công đoàn thế giới (WFTU)", đại biểu Nghĩa nêu.

Chính vì vậy, đại biểu cho rằng, nếu quy định chung như Dự thảo là Công đoàn Việt Nam thì có thể dẫn đến cách hiểu tất cả các cấp công đoàn bao gồm cả cấp cơ sở cũng có thẩm quyền này.

"Điều này là không phù hợp thực tế và không thuận lợi, nhất là khi có sự hình thành các tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở mà các tổ chức này lại đưa yêu sách có quyền như tổ chức công đoàn cơ sở", đại biểu Nghĩa trình bày.

Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung cụm từ “Cơ quan trung ương của Công đoàn Việt Nam” vào trước cụm từ “là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn". Đồng thời, chuyển nội dung này xuống cuối Điều 10 của Hiến pháp (sửa đổi).

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất) sửa đổi, bổ sung Điều 10 Hiến pháp 2013, như sau:

Điều 10

Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động; là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn;

Tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

https://laodong.vn/thoi-su/vi-the-cua-cong-doan-viet-nam-tiep-tuc-duoc-nang-cao-khi-sua-hien-phap-1506522.ldo

Tô Thế (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: