Thời sự
Cập nhật lúc 08:42 12/01/2025 (GMT+7)
Vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, cần phạt thật nặng

Người dân sẽ đồng tình nếu các chế tài xử lý vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm tăng lên ở mức cao gấp nhiều lần hiện tại.

Ngay đầu năm 2025, tại Hà Nội, nhiều vụ việc vi phạm trong hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đã được cơ quan chức năng phát hiện, làm rõ. Điển hình như vào ngày 3.1.2025, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Thành phố Hà Nội phối hợp Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh tại thôn Bãi Thụy, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội. Quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện và thu giữ 14 tấn hàng hóa là thực phẩm (xúc xích các loại, thịt bò khô, bánh kẹo) không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hóa đơn chứng từ, không qua kiểm định an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đây là các mặt hàng thường được bày bán tại các khu vực cổng trường học.

Hay ngày 7.1.2025, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Thành phố phối hợp Thanh tra Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở sơ chế, kinh doanh thực phẩm đông lạnh Minh Quý, địa chỉ: Thôn Làng Kim 1, xã Kim Quan, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện cơ sở đã bảo quản kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng; sơ chế, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP đối với hoạt động sơ chế đóng gói thực phẩm; khu vực sản xuất có động vật côn trùng gây hại...; thu giữ 3,27 tấn hàng hóa (bao gồm: nầm, tràng, chân gà, thịt, đuôi trâu bò các loại…). Chủ cơ sở khai nhận thu mua số hàng này trôi nổi trên thị trường về bán lại cho các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn lân cận. Điều đáng nói nhiều trong số hàng hóa nêu trên đã biến đổi màu và bốc mùi khó chịu.

Câu hỏi là còn bao nhiêu vụ việc, bao nhiêu tấn hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường? Hệ quả và tác hại của những thực phẩm độc hại này sẽ như thế nào?

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế, năm 2024, ngành y tế kiểm tra 354.820 cơ sở, phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm (an toàn thực phẩm, chiếm 6,22% so với số cơ sở được kiểm tra. Số cơ sở bị phạt tiền tăng 2,9 lần so với năm 2023, số tiền phạt tăng 1,69 lần. Lực lượng Công an đã khởi tố 62 vụ (tăng gần 88%) với 97 bị can (tăng hơn 185%).

Ghi nhận những nỗ lực của cơ quan chức năng song phải thừa nhận, số vụ việc bị phát hiện còn ít so với thực tế. Nguyên nhân dẫn đến vi phạm nhiều do chế tài hiện nay chưa đủ mạnh, chưa có tính chất răn đe những cá nhân, tổ chức hám lợi mà kinh doanh, sản xuất thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Chính vì vậy, Bộ Y tế cho rằng, bên cạnh tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân thì cần nâng mức phạt hơn nữa để tăng tính răn đe.

Phải phạt thật nặng, thậm chí tăng mức hình sự hóa các vi phạm trong vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì sức khỏe người dân, mức tăng xử phạt dù cao đến đâu, chắc chắn cũng nhận sự đồng thuận.

https://laodong.vn/xa-hoi/vi-pham-ve-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-can-phat-that-nang-1448255.ldo

Hà Lê (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: