Trở lại Pác Bó, nơi đón Bác về sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước
Cao Bằng - Vùng đất Pác Bó từng 2 lần đón Bác Hồ được coi là nơi đầu nguồn cách mạng.
Pác Bó đang thay da đổi thịt từng ngày. Ảnh: Tân Văn
Đã 84 năm trôi qua kể từ ngày 28.1.1941, khi lãnh tụ Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc qua cột mốc 108 lịch sử. Hình ảnh Người cúi xuống hôn nắm đất quê hương và bắt đầu gây dựng căn cứ địa cách mạng tại Pác Bó đến nay vẫn in đậm trong tâm trí người dân cả nước.
Từ một vùng núi heo hút, Pác Bó hôm nay đã vươn mình thay da đổi thịt, hướng tới khát vọng dựng xây quê hương giàu đẹp.
Suối Lê-Nin trong xanh chảy mãi. Ảnh: Tân Văn
Từ trung tâm TP Cao Bằng, hành trình 50km dẫn về Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng) là một cung đường quanh co nhưng rất đẹp.
Những ngày này, Pác Bó rộn ràng đón bước chân du khách gần xa về thăm. Họ đến để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ và tìm hiểu những dấu ấn lịch sử thiêng liêng.
Qua một quảng trường nhỏ, men theo các bậc đá dựng đứng, chúng tôi lên tới đỉnh Pò Tếng Chấy. Từ trên cao, cảnh sắc núi rừng Pác Bó hiện ra bát ngát một màu xanh. Dòng suối Lênin trong xanh uốn lượn hiền hòa như dải lụa tô điểm cho bức tranh thủy mặc hữu tình.
Người dân nơi đây đang đa dạng các ngành nghề, kinh doanh dịch vụ để nâng cao thu nhập. Ảnh: Tân Văn
Trên đỉnh Pò Tếng Chấy là đền thờ Bác Hồ - công trình thể hiện lòng tri ân sâu sắc của người dân Pác Bó đối với vị Cha già dân tộc.
Ngay cạnh đó là cột mốc Km0 - điểm khởi đầu của đường Hồ Chí Minh, gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc. Năm 1961, trong lần trở về thăm lại Cao Bằng, Bác Hồ đã dành trọn 1 ngày (20.2.1961) để trở lại Pác Bó nơi Người từng sống và làm việc.
Hơn 8 thập kỷ đã qua kể từ mùa Xuân Tân Tỵ năm 1941, cùng với sự cần cù của người dân và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, xã Trường Hà (huyện Hà Quảng) đã có bước chuyển mình mạnh mẽ.
Đền thờ Bác Hồ và Cột mốc Km0 đường Hồ Chí Minh lịch sử. Ảnh: Tân Văn
Trường Hà là một trong những xã đầu tiên ở Cao Bằng đạt chuẩn nông thôn mới. Người dân nơi đây tập trung phát triển kinh tế, nhất là mô hình trồng trọt, chăn nuôi với các sản phẩm đặc sản như chim trĩ, mận, hồng, thanh long ruột đỏ...
Tiêu biểu có ông Nông Thanh Bằng ở thôn Pác Bó - từ một hộ nghèo, ông mạnh dạn vay vốn nuôi gà, trồng hồng. Nhờ cần cù, chịu khó, thu nhập của gia đình ông đã đạt hàng trăm triệu đồng/năm.
Đến nay, nhiều người dân đã mở rộng kinh doanh, xây dựng homestay làm du lịch, điều này thúc đẩy tỷ trọng kinh tế thương mại - dịch vụ tại Pác Bó, góp phần thay đổi diện mạo vùng đất cách mạng.
Trường Hà cũng được đầu tư mạnh về hạ tầng: 100% thôn có đường bê tông, toàn bộ hộ dân có điện lưới quốc gia, chỉ còn 5 hộ nghèo, cả 9/9 thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa.
Đời sống người dân ngày một tốt hơn. Ảnh: Tân Văn
Ngày 13.5, UBND xã Trường Hà thông tin, năm 2024, tổng sản lượng lương thực trên địa bàn đạt 1.598,52 tấn, người dân không còn thiếu đói. Tổng đàn gia súc lớn cũng đạt hàng nghìn con.
Về giáo dục, 100% trẻ trong độ tuổi đi học được đến trường, trong lĩnh vực y tế, việc khám chữa bệnh ở cấp cơ sở ngày càng được nâng cao chất lượng. Tỷ lệ hộ nghèo là 9,21% (giảm 3,62% so với năm 2023). Số hộ nghèo đa chiều cũng đang giảm sâu.
Anh Nguyễn Văn Hoàn (du khách từ Thái Nguyên) - chia sẻ: "Đây là lần thứ 2 tôi trở lại thăm Pác Bó, thấy nơi đây thay đổi khá nhiều, đường Hồ Chí Minh được mở rộng hơn trước, hai bên đường nhiều nhà to đẹp khang trang. Người dân nơi đây cũng làm kinh doanh dịch vụ tốt hơn".
https://laodong.vn/xa-hoi/tro-lai-pac-bo-noi-don-bac-ve-sau-30-nam-bon-ba-tim-duong-cuu-nuoc-1506110.ldo
Tân Văn (BÁO LAO ĐỘNG)