Cống Mương Chuối - một trong 6 cống ngăn triều thuộc dự án. Ảnh: Minh Quân
Dự án chống ngập do triều khu vực TPHCM, xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng, triển khai theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).
Mặc dù đã hoàn thành hơn 90% khối lượng công trình, dự án vẫn đang gặp nhiều khó khăn về vốn và pháp lý, dẫn đến việc phải tạm dừng thi công từ tháng 11.2020.
Theo thỏa thuận trong hợp đồng BT và các phụ lục hợp đồng đã ký kết, TPHCM sẽ thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất tương đương 16% giá trị quyết toán dự án (khoảng 1.588 tỉ đồng).
Ba khu đất được đưa vào thanh toán bao gồm: Lô C8A, Khu A, Khu đô thị mới Nam TPHCM, phường Tân Phú, Quận 7 (diện tích 5.500 m²); Khu đất số 232 Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long A, TP Thủ Đức (diện tích 17.573,5 m²); Khu đất tại số 762 Bình Quới, Phường 27, Quận Bình Thạnh (diện tích 4.298 m²).
Ngoài quỹ đất, phần còn lại tương đương 84% giá trị quyết toán dự án (khoảng 8.380 tỉ đồng) sẽ được thanh toán bằng tiền mặt.
Theo báo cáo của nhà đầu tư, tính đến tháng 11.2023, dự án đã giải ngân khoảng 8.276 tỉ đồng, trong đó 7.094 tỉ đồng từ vốn vay và 1.181 tỉ đồng từ nguồn vốn tự có. Hiện tại, nhà đầu tư cần huy động thêm 1.800 tỉ đồng để hoàn thành dự án.
Tuy nhiên, nhà đầu tư không còn đủ khả năng tài chính, trong khi thời gian vay kéo dài nên ngân hàng không tiếp tục cấp vốn.
TPHCM từng đề xuất phương án ủy thác ngân sách cho Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) để đơn vị này cho nhà đầu tư vay và hoàn thành công trình. Tuy nhiên, phương án này bị Bộ Tài chính đánh giá là không phù hợp.
Cống ngăn triều Tân Thuận (Quận 4 và 7, TPHCM) thuộc dự án. Ảnh: Anh Tú
Dự án hiện có thiếu sót liên quan đến phương án thanh toán cho nhà đầu tư. Dù chưa có quy định chi tiết tỉ lệ thanh toán bằng quỹ đất và tiền, nhưng việc UBND TPHCM ký hợp đồng BT với nhà đầu tư với tỉ lệ giá trị quỹ đất chỉ bằng 16% tổng chi phí dự án, còn lại bằng tiền được cho là chưa hoàn toàn phù hợp.
Ngoài ra, Nghị định 15/2015/NĐ-CP quy định phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền về đầu tư công để quyết định chủ trương sử dụng vốn nhà nước trước khi phê duyệt dự án PPP. Tuy nhiên, thời điểm đó, UBND TPHCM có báo cáo và được HĐND TPHCM chấp thuận nhưng chưa được Thủ tướng đồng ý.
Để khắc phục những vấn đề này, UBND TPHCM nhận thấy cần điều chỉnh điều khoản thanh toán trong hợp đồng BT theo hướng thanh toán trước bằng quỹ đất tương ứng với phần giá trị dự án BT đã hoàn thành, giúp nhà đầu tư có cơ sở tài chính để tiếp tục hoàn thiện công trình.
UBND TPHCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh tổng thể dự án, bao gồm thay đổi tổng mức đầu tư và kéo dài thời gian thực hiện. Tuy nhiên, thủ tục điều chỉnh này rất phức tạp và cần nhiều thời gian. Do đó, TPHCM mong muốn có thể tiến hành điều chỉnh phương án thanh toán song song với việc điều chỉnh tổng thể dự án để không làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Sau khi các phụ lục hợp đồng BT được điều chỉnh, TPHCM sẽ có cơ sở pháp lý để thanh toán bằng quỹ đất, giúp giải quyết nguồn vốn cho nhà đầu tư, đồng thời giảm bớt chi phí lãi vay phát sinh trong thời gian chờ hoàn tất các thủ tục pháp lý.
https://laodong.vn/xa-hoi/tphcm-muon-giao-dat-truoc-cho-nha-dau-tu-du-an-ngan-trieu-1409970.ldo