Thời sự
Cập nhật lúc 04:35 11/05/2025 (GMT+7)
Tín dụng xanh và niềm tin vào tương lai kinh tế tuần hoàn của Việt Nam

Tín dụng xanh không chỉ đơn thuần là dòng tiền hỗ trợ, mà là niềm tin thúc đẩy một Việt Nam phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn và bền vững.

Tín dụng xanh và niềm tin vào tương lai kinh tế tuần hoàn của Việt Nam
Bà Lê Thị Thúy Sen - Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng tại Diễn đàn “Kết nối tín dụng xanh - Khu công nghiệp xanh”. Ảnh: Nguyễn Linh

Cần một hệ sinh thái tín dụng xanh thực chất

Ngày 9.5 tại Đà Nẵng, Diễn đàn “Kết nối tín dụng xanh - Khu công nghiệp xanh” do Thời báo Ngân hàng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước khu vực 9 tổ chức đã thu hút hơn 100 đại biểu là lãnh đạo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các bộ, ngành trung ương, địa phương cùng nhiều chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế tham dự.

Trong bối cảnh chuyển đổi xanh trở thành xu hướng không thể đảo ngược, các ý kiến tại diễn đàn đều thống nhất: Tín dụng xanh không chỉ đơn thuần là dòng tiền hỗ trợ mà là niềm tin, là "chất xúc tác" thúc đẩy một Việt Nam phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn và bền vững.

Việt Nam hiện có khoảng 290 khu công nghiệp hoạt động nhưng mới chỉ khoảng 1-2% trong số đó đang từng bước chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái (KCNST). Tại thành phố Đà Nẵng - một trong ba địa phương đầu tiên trên cả nước thí điểm mô hình này - hiện có 6 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.100ha. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có từ 2-3 khu công nghiệp sinh thái đạt tiêu chuẩn quốc gia.

Tuy nhiên, như TS. Phùng Tấn Viết - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - chia sẻ: “Chuyển đổi xanh trong khu công nghiệp là xu thế tất yếu nhưng không thể thành công nếu chỉ trông vào nhận thức hay nỗ lực của một phía. Điều tiên quyết là phải có một hệ sinh thái tín dụng xanh đủ mạnh để tiếp sức và đồng hành cùng doanh nghiệp trong cả chặng đường dài”.

Ông Viết dẫn ví dụ từ chính Đà Nẵng, các khu công nghiệp cũ như Hòa Khánh được chọn làm thí điểm chuyển đổi nhưng vẫn gặp nhiều rào cản do thiếu cơ chế tín dụng xanh cụ thể, thiếu vùng đệm phát triển và khó tiếp cận nguồn vốn đầu tư hạ tầng thân thiện môi trường.

Theo bà Lê Thị Thúy Sen - Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng: “Tín dụng xanh là dòng vốn có tầm nhìn. Nó không chỉ giúp hiện thực hóa các dự án xanh, mà còn thể hiện niềm tin vào tương lai phát triển bền vững, vào mô hình kinh tế tuần hoàn mà Việt Nam đang theo đuổi”.

Thực tế, phát triển khu công nghiệp xanh không thể chỉ là các hạng mục đầu tư riêng lẻ. Nó cần một dòng vốn ổn định, có cơ chế dài hạn, lãi suất ưu đãi và tiêu chí rõ ràng.

Tuy nhiên, tỉ lệ tín dụng xanh hiện nay mới chiếm khoảng 4,6% tổng dư nợ tín dụng toàn ngành - một con số còn quá khiêm tốn so với tiềm năng và mục tiêu đặt ra. Trong khi đó, nhu cầu vốn cho năng lượng tái tạo và chuyển đổi hạ tầng khu công nghiệp theo hướng xanh, theo ước tính của WB, có thể lên tới hàng trăm tỉ USD đến năm 2040.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết: “Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích tín dụng xanh, xây dựng danh mục 12 lĩnh vực xanh ưu tiên. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là các tổ chức tín dụng còn lúng túng do chưa có hướng dẫn thống nhất về tiêu chí, danh mục xanh, cũng như cơ chế giám sát tín dụng xanh đồng bộ trên cả nước”.

Khơi thông điểm nghẽn, tạo niềm tin chính sách

Một trong những vấn đề được nhiều diễn giả nhấn mạnh là cần khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý về tín dụng xanh. “Không có khung chính sách rõ ràng thì sẽ không có niềm tin để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư dài hạn vào công nghệ xanh, đổi mới quy trình sản xuất”, ông Đặng Quốc Bảo - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam - phát biểu.

Ông Bảo cho hay, Trung Nam đang vận hành các dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất 1,6GW và doanh thu hơn 7.000 tỉ đồng/năm. Tuy nhiên, toàn bộ các khoản vay hơn 26.000 tỉ đồng của tập đoàn này vẫn không được tính là tín dụng xanh vì “không có cơ quan nào hướng dẫn hay xác nhận tiêu chuẩn dự án xanh vào thời điểm triển khai”. Đây cũng là thực trạng phổ biến của nhiều doanh nghiệp trong nước: có nhu cầu, có năng lực, có dự án - nhưng thiếu hành lang pháp lý để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.

TS. Đặng Quang Hải - Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng - kiến nghị: “Để khu công nghiệp xanh không chỉ là khẩu hiệu, cần luật hóa các tiêu chí KCN sinh thái, xác lập chính sách tín dụng xanh riêng và thiết lập hệ thống xác nhận ESG độc lập. Đó là cách để nâng cao năng lực cạnh tranh và khơi thông dòng vốn dài hạn cho nền kinh tế xanh”.

Tại diễn đàn, nhiều địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Đồng Nai cũng chia sẻ thực tiễn triển khai thí điểm khu công nghiệp xanh và các khó khăn khi đi từ quyết tâm chính trị đến hành động cụ thể. Từ thiếu quỹ đất, thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật, thiếu vốn đổi mới công nghệ, đến thiếu thông tin kết nối với ngân hàng… - tất cả đều là những rào cản mà tín dụng xanh cần phải vượt qua.

Diễn đàn “Kết nối tín dụng xanh - Khu công nghiệp xanh” khép lại nhưng một tinh thần mới đã được mở ra. Việt Nam có tiềm năng để đi nhanh hơn, xa hơn trên con đường kinh tế xanh, nếu tín dụng xanh thực sự trở thành “dòng máu” nuôi dưỡng mọi mô hình đổi mới.

https://laodong.vn/kinh-doanh/tin-dung-xanh-va-niem-tin-vao-tuong-lai-kinh-te-tuan-hoan-cua-viet-nam-1504221.ldo

Nguyễn Linh (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: