Thời sự
Cập nhật lúc 03:51 13/02/2025 (GMT+7)
Thép, nhôm Việt Nam đối mặt thách thức từ thuế Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 25% lên toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, sẽ có những tác động nhất định đến ngành nhôm, thép Việt Nam.

Thép, nhôm Việt Nam đối mặt thách thức từ thuế Mỹ
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khuyến nghị, doanh nghiệp cần bám sát thị trường trong bối cảnh Mỹ áp thuế 25% lên toàn bộ nhôm, thép nhập khẩu vào nước này. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trong buổi trao đổi với Báo Lao Động, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - bà Nguyễn Thị Hương khuyến nghị, doanh nghiệp cần bám sát thị trường, thực hiện chiến lược “không bỏ trứng và một giỏ”.

Bà đánh giá thế nào về hoạt động xuất khẩu nhôm và thép của Việt Nam sang Mỹ trong thời gian qua?

- Mỹ là thị trường nhập khẩu nhôm và sản phẩm của nhôm lớn nhất Việt Nam với tỉ trọng đạt 24,8% năm 2023. Trong các nước xuất khẩu nhôm và sản phẩm của nhôm sang Mỹ, Việt Nam đứng thứ 12 (theo UN Comtrade). Chiếm tỉ trọng 1,6% tổng kim ngạch nhập khẩu nhôm và sản phẩm nhôm của Hoa Kỳ năm 2023.

Việt Nam xuất khẩu sắt thép sang thị trường Mỹ năm 2024, tăng 54,8% giá trị sắt thép xuất khẩu so với năm 2023. Mỹ là thị trường nhập khẩu sắt thép số hai năm 2023 và số một năm 2024 của Việt Nam với tỉ trọng lần lượt đạt 10,2% và 14,5%.

Trong các nước xuất khẩu sắt thép sang Hoa Kỳ, Việt Nam đứng thứ 16 (theo UN Comtrade) và chiếm tỉ trọng 1,2% tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của Hoa Kỳ trong năm 2023.

Mỹ áp thuế 25% lên toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu vào nước này sẽ khiến chúng ta gặp thách thức nào, thưa bà?

- Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế quan mới 25% lên toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, có thể sẽ có một số tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu và sản xuất thép và nhôm của Việt Nam. Dù vậy thép và nhôm của Việt Nam vẫn có cơ hội tiếp tục xuất khẩu vào Mỹ khi năng lực của các nhà sản xuất nội địa của nước này chưa thể đáp ứng ngay.

Mỹ áp thuế nhập khẩu thép, nhôm có thể gây ra tình trạng doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm này tại các quốc gia bị áp thuế khác sẽ tìm cách bảo hộ sản xuất nội địa. Từ đó dẫn đến xuất khẩu thép và nhôm của Việt Nam sang các thị trường này sẽ gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, việc áp thuế 25% của Mỹ đối với thép và nhôm nhập khẩu khiến các nước xuất khẩu thép, nhôm tăng thị phần xuất khẩu sang các nước khác (trong đó có Việt Nam). Việc tăng nguy cơ cạnh tranh từ nhập khẩu thép, nhôm khiến doanh nghiệp sản xuất thép và nhôm của Việt Nam có thể gặp khó khăn tại thị trường nội địa.

Trong dài hạn, đơn đặt hàng nhập khẩu thép và nhôm của Mỹ với Việt Nam dự kiến sẽ giảm do giá thành thép và nhôm của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ sau khi áp thuế sẽ cao hơn, tăng khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất nội địa Hoa Kỳ.

Thưa bà, chúng ta cần có những kịch bản và giải pháp nào để thích ứng linh hoạt, đảm bảo hoạt động xuất khẩu nhôm và thép?

- Trong bối cảnh chính sách thuế mới về nhập khẩu thép và nhôm của Mỹ, để thúc đẩy xuất khẩu và đạt mục tiêu tăng trưởng, cần tiếp tục thực hiện chính sách đa dạng hóa thị trường, nâng cao sức cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu.

Duy trì và phát triển các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống và khai thác hiệu quả các thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam (CPTPP, EVFTA, UKVFTA…). Đồng thời tăng cường khai thác các thị trường tiềm năng (Nga, Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi…).

Nâng cao năng lực cạnh tranh, xuất khẩu các ngành hàng. Triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Cung cấp thông tin thị trường, nâng cao hiệu quả xúc tiến xuất khẩu.

Tổ chức phổ biến, hướng dẫn về nội dung các cam kết và cách thức tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đến các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng và các cơ quan quản lý chuyên ngành tại địa phương bằng nhiều hình thức trực tiếp, trực tuyến, tiện tra cứu, khai thác.

Chủ động nắm bắt thông tin, phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với các vụ việc phòng vệ thương mại tại nước ngoài, bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam.

Bà có khuyến nghị gì đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thép và nhôm ở trong nước?

- Doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thép và nhôm ở trong nước nên sớm ghi nhận, ước lượng những khó khăn từ việc tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm lên 25% của Mỹ. Từ đó kiến nghị Nhà nước đưa ra các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

Bám sát thị trường và thực hiện các giải pháp tối ưu hóa chi phí sản xuất, giảm giá thành, nâng cao lợi nhuận, đồng thời đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thực hiện chiến lược “không bỏ trứng và một giỏ” để tránh những rủi ro có thể có từ phía thị trường nhập khẩu.

https://laodong.vn/kinh-doanh/thep-nhom-viet-nam-doi-mat-thach-thuc-tu-thue-my-1462286.ldo

TUYẾT LAN (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: