Thời sự
Cập nhật lúc 11:27 04/02/2025 (GMT+7)
Tết ít bia rượu - vẫn vui

Đã có thời, người ta tin chắc rằng, vào ngày lễ, Tết khi tới thăm nhà bạn bè, họ hàng phải có chén rượu mới là vui. Nhưng nay khác rồi, lời mời bia rượu ít đi, cũng không có chuyện chủ nhà ép khách phải uống kẻo “dông” cả năm. Ấy thế mà Tết vẫn vui.

Dịp Tết này, nhân mấy ngày nghỉ, tôi có dịp rong ruổi lên Hà Giang rồi theo những con đèo quanh co, hùng vĩ tới tận thị trấn Đồng Văn. Trong những món đặc sản ở Đồng Văn thì ngoài món thắng cố trứ danh, không thể thiếu được rượu ngô - đồ uống được coi là mỹ vị nhân gian vùng núi phía Bắc. Đặc sản rượu ngô của người Mông tại Hà Giang không đơn thuần chỉ là một mỹ tửu bình thường mà còn mang theo cả một nét văn hóa bản địa riêng biệt của vùng cao Đông Bắc. Với người bản địa Hà Giang, uống rượu ngô đã trở thành một thói quen hằng ngày. Uống lúc ăn, uống khi có khách đến nhà, uống trong các dịp lễ, Tết quan trọng và uống cho đến khi say mềm mới thôi. Thế nhưng khi tôi hỏi người chủ cửa hàng về chuyện Tết này chắc bán được cả nghìn lít rượu thì anh cười: “Giờ người ta uống ít rồi, anh sẽ không còn thấy cảnh người ta say ngất ngư giữa đường đâu. Khách Hà Nội lên như anh cũng hạn chế uống, mà tôi không thấy vấn đề gì, chứ rượu vào, lắm chuyện, phức tạp”.

Ở “thủ phủ rượu ngô” mà chuyện uống rượu ngày Tết đã thay đổi thì rõ ràng quan điểm về việc uống rượu trong những ngày Tết đã thay đổi rất nhiều.

Đọc qua các báo, tôi thấy thông tin về số lượng các vụ tai nạn giao thông, đánh nhau do sử dụng bia rượu giảm hẳn. Tính đến ngày 2.2, trong 9 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ, cả nước xảy ra 445 vụ tai nạn giao thông, làm chết 209 người, bị thương 373 người. So với 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tai nạn giao thông giảm 258 vụ, giảm 126 người chết, giảm 232 người bị thương. Trong đó, tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 442 vụ, làm chết 207 người, bị thương 372 người. So với 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tai nạn giao thông đường bộ giảm 257 vụ, giảm 124 người chết, giảm 232 người bị thương. Riêng về việc xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 17.149 trường hợp, chiếm 30% tổng số vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông. So với cùng kỳ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, giảm 20.365 trường hợp.

Còn về chuyện đánh nhau do bia rượu, còn nhớ năm 2015, tức là cách đây 10 năm, có tới hơn 6.200 trường hợp nhập viện vì ẩu đả, đánh nhau mà phần lớn là do sử dụng rượu bia. Mấy năm gần đây, nhất là Tết Ất Tỵ 2025, ít có báo cáo nào cho thấy số lượng lớn các vụ đánh nhau do bia rượu.

Tai nạn giao thông giảm, số người thương vong ít đi. Số vụ đánh nhau nhập viện do bia rượu cũng chỉ còn rất ít. Điều đó đáng vui chứ, đâu cứ phải chén chú, chén anh ngập ngụa mấy ngày Tết.

Trên hành trình từ Hà Giang về Hà Nội, tôi cũng được lực lượng cảnh sát giao thông dừng xe, đo nồng độ cồn. Tất nhiên là tôi không uống rượu và trước khi tiếp tục lên đường, tôi nhớ mãi lời chiến sĩ cảnh sát giao thông: “Bọn tôi chỉ mong ý thức người dân được nâng lên, tới mức không cần kiểm tra, phạt nặng, mà người dân vẫn tự giác không uống rượu bia khi tham gia giao thông. Tết chỉ vui khi tất cả thực sự an toàn.”

https://laodong.vn/xa-hoi/tet-it-bia-ruou-van-vui-1458060.ldo

HÀ LÊ (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: