Tăng cường giáo dục liêm chính để phòng, chống tham nhũng
Hội thảo khoa học đã đề cập nhiều nội dung về giáo dục liêm chính với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam.
PGS.TS Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật - nêu rõ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là xu thế không thể đảo ngược. Ảnh: Trần Vương
Ngày 27.3, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Cảnh sát nhân dân và Học viện An ninh nhân dân tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Giáo dục liêm chính với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay - Lý luận và thực tiễn".
Đây là Hội thảo khoa học quốc gia đầu tiên về chủ đề rất có ý nghĩa này trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thiếu tướng Trịnh Ngọc Quyên - Giám đốc Học viện An ninh nhân dân - nhìn nhận: Tham nhũng, tiêu cực vẫn còn diễn biến phức tạp, nổi lên là các sai phạm trong các lĩnh vực cổ phần hóa, đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp hoạt động ngân hàng đăng kiểm, y tế, khoáng sản… gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây thất thoát tài sản nhà nước, hình thành các nhóm lợi ích, gây bức xúc trong cán bộ đảng viên và nhân dân.
PGS.TS Phạm Minh Sơn - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: Trần Vương
PGS.TS Phạm Minh Sơn - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền - nhấn mạnh, hội thảo khoa học hôm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm khơi dậy nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm, gợi mở giải pháp để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục liêm chính, coi đây là giải pháp “phòng ngừa từ gốc” trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - một cuộc đấu tranh không khoan nhượng mà Đảng ta đang quyết liệt triển khai trong thời gian qua.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật - nhấn mạnh, tham nhũng được coi là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, là giặc nội xâm không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà nghiêm trọng hơn, làm suy yếu bộ máy của Đảng, Nhà nước, gây mất lòng tin của quần chúng nhân dân, “là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”. Bởi vậy, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược.
Hội thảo khoa học với chủ đề “Giáo dục liêm chính với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay - Lý luận và thực tiễn”. Ảnh: Trần Vương
Hội thảo làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về giáo dục liêm chính như: Nội hàm và giá trị chủ đạo của liêm chính; mối quan hệ của giáo dục liêm chính với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các yếu tố cấu thành, ảnh hưởng đến giáo dục liêm chính; kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về giáo dục liêm chính…
Hội thảo cũng nhằm đánh giá thực trạng giáo dục liêm chính hiện nay ở Việt Nam nói chung, ở các ban, bộ, ngành, địa phương nói riêng; phân tích phương pháp, hình thức, triết lý, mục tiêu, nội dung và chương trình giáo dục, tài liệu học tập, hiệu quả của giáo dục liêm chính; những vấn đề đặt ra và bài học kinh nghiệm về giáo dục liêm chính.
Đồng thời, đề xuất định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục liêm chính gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới; cũng như phát huy giá trị của giáo dục liêm chính vào xây dựng con người Việt Nam thời đại mới như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” nói riêng trong hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
https://laodong.vn/thoi-su/tang-cuong-giao-duc-liem-chinh-de-phong-chong-tham-nhung-1482924.ldo
VƯƠNG TRẦN (BÁO LAO ĐỘNG)