Tăng cơ hội sở hữu nhà ở cho người lao động thu nhập thấp
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 192/2025/NĐ-CP nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 201/2025/QH15 của Quốc hội, thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển nhà ở xã hội. Một trong những điểm nhấn quan trọng là tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình xác định giá bán, giá thuê mua, từ đó tạo thuận lợi hơn cho người dân tiếp cận nhà ở xã hội.
Nghị định số 192/2025/NĐ-CP tạo cơ hội cho người lao động có thể thuê, mua nhà. Ảnh: Hải Nguyễn
Làm rõ quy trình, tránh trục lợi chính sách
Theo Nghị định mới, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội sẽ được giao đất không thông qua đấu thầu, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo quy trình rõ ràng, minh bạch. Cụ thể, chủ đầu tư được tự xác định giá bán, giá thuê mua căn cứ trên các chi phí đầu tư hợp lý và lợi nhuận định mức theo quy định pháp luật. Trước khi triển khai, các mức giá này phải được thẩm tra bởi đơn vị có đủ năng lực và được phê duyệt, công khai trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh và Sở Xây dựng.
Một điểm đổi mới quan trọng là yêu cầu chủ đầu tư không được thu quá 95% giá trị hợp đồng trước khi người mua được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Quy định này nhằm bảo vệ người dân trước nguy cơ chậm bàn giao hoặc dự án không đảm bảo chất lượng như cam kết.
Trường hợp sau kiểm toán và thẩm định giá chính thức có sự chênh lệch so với giá trong hợp đồng, chủ đầu tư buộc phải hoàn trả phần chênh nếu giá thực tế thấp hơn. Ngược lại, nếu giá cao hơn thì không được thu thêm từ người mua, thuê mua. Đây là bước tiến lớn trong minh bạch hóa quá trình mua bán nhà ở xã hội, giúp người dân yên tâm khi đầu tư vào loại hình nhà ở đặc thù này.
Tăng cường kiểm soát chất lượng và tiến độ
Để đảm bảo chất lượng công trình, Nghị định 192/2025/NĐ-CP yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đầy đủ các biện pháp kiểm soát chất lượng từ giai đoạn khảo sát, thiết kế, thi công đến nghiệm thu. Việc tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy, môi trường, an toàn thi công là bắt buộc.
Trường hợp có dấu hiệu vi phạm về chất lượng hoặc phát hiện công trình nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho người ở, chính quyền địa phương phải vào cuộc xử lý kịp thời. Chủ đầu tư vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, có thể bị đình chỉ dự án hoặc thu hồi quyền đầu tư.
Ngoài ra, Nghị định cũng giao trách nhiệm cho Thanh tra Chính phủ, các Bộ ngành, UBND cấp tỉnh theo dõi, thanh tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như chậm tiến độ, thi công kém chất lượng hoặc trục lợi chính sách.
Cơ quan có thẩm quyền khi nhận được phản ánh về vi phạm trong việc giao chủ đầu tư phải nhanh chóng tổ chức kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm thì thu hồi hoặc đình chỉ quyết định đầu tư. Điều này nhằm ngăn chặn tình trạng “xin - cho”, thiếu minh bạch trong giao đất, chọn chủ đầu tư gây bức xúc dư luận thời gian qua.
Cơ hội cho công nhân, người lao động
Việc tháo gỡ những nút thắt trong quy trình thuê, mua nhà ở xã hội không chỉ giúp người dân - đặc biệt là nhóm thu nhập thấp, công nhân, người lao động di cư - tiếp cận dễ hơn với nhà ở ổn định, mà còn góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu an sinh xã hội.
Trong bối cảnh giá nhà thương mại không ngừng leo thang, chính sách phát triển nhà ở xã hội đang đóng vai trò quan trọng trong bình ổn thị trường bất động sản, hỗ trợ lực lượng lao động trẻ “an cư, lạc nghiệp”, từ đó tạo động lực tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế.
https://laodong.vn/xa-hoi/tang-co-hoi-so-huu-nha-o-cho-nguoi-lao-dong-thu-nhap-thap-1535071.ldo
Minh Thu (BÁO LAO ĐỘNG)