Sĩ tử loay hoay chốt nguyện vọng sau kỳ thi tốt nghiệp THPT
Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã kết thúc, thời điểm này, các sĩ tử đang bước vào giai đoạn chốt nguyện vọng với tâm lý lo lắng và đầy phân vân.
Sĩ tử loay hoay chốt nguyện vọng sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Thanh Lâm
Loay hoay tìm lựa chọn tốt nhất
Bạn Trần Hoàng Gia Khoa, học sinh Trường THPT Hồng Hà - Hà Nội, đang cân nhắc giữa Học viện Ngoại giao và Trường Đại học Swinburne. Khoa cho rằng cả hai ngôi trường đều có những điểm mạnh riêng. Swinburne là môi trường học tập bằng tiếng Anh và bằng cấp quốc tế, nếu lựa chọn ngôi trường này, Khoa sẽ có thêm nhiều cơ hội việc làm cả ở thị trường trong nước và quốc tế. Còn học viện Ngoại giao thì nổi tiếng là một ngôi trường có nhiều hoạt động, sinh viên năng động và có nhiều cơ hội kết nối, cọ xát thực tế.
Hiện tại, Khoa đã nộp hồ sơ và đủ điều kiện trúng tuyển vào Trường Đại học Swinburne, tuy nhiên, Khoa vẫn đang mong chờ điểm thi tốt nghiệp THPT, hy vọng điểm cao để đủ điểm đỗ vào Học viện Ngoại giao. “Mình thực sự lo lắng về kết quả thi THPT và phân vân về việc chọn trường. Nếu chọn môi trường học không phù hợp, mình lo bản thân sẽ mất động lực, không tập trung học tập. Khi đó, kết quả học tập không những không tốt mà còn ảnh hưởng tới định hướng công việc trong tương lai”, Khoa chia sẻ.
Cũng giống như Khoa, bạn Phan Ngọc Quỳnh Như, học sinh Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn - Nghệ An cũng có khoảng thời gian dài phân vân giữa việc chọn trường công lập và trường quốc tế. Tuy nhiên, sau quá trình tìm hiểu kỹ về ngành học và môi trường đào tạo, Như cảm thấy trường đại học công lập vẫn là lựa chọn phù hợp nhất.
“Mình thấy đa số các trường đại học công lập đều có kinh nghiệm đào tạo lâu năm, học phí phải chăng mà cũng có rất nhiều ngành nghề hot, cơ hội việc làm cao nên sau thời gian dài lo lắng cho việc chốt nguyện vọng, mình cảm thấy trường công lập là lựa chọn tốt nhất với bản thân”, Quỳnh Như hào hứng chia sẻ.
Trường học tốt nhất là ngôi trường phù hợp nhất
Theo cô Phan Thanh Thuỷ, thành viên Ban thư ký Hội đồng Tuyển sinh Học viện Ngoại giao, khi đứng trước các lựa chọn, chất lượng đào tạo và khả năng tài chính là những yếu tố phụ huynh và học sinh thường cân nhắc nhiều nhất. Phần lớn các trường công lập đang dần dần thực hiện cơ chế tự chủ, học phí tăng cao hơn. Để thu hút được sự quan tâm của thí sinh, các trường phải cạnh tranh nhiều hơn trong việc đầu tư vào nâng cao chất lượng đào tạo và cải thiện cơ sở vật chất.
Bên cạnh đó, số lượng các trường dân lập và quốc tế cũng ngày một nhiều hơn. Hệ thống các trường này có lợi thế trong việc chuyển mình nhanh chóng với các xu thế mới, nhiều chương trình học trực tiếp bằng tiếng Anh.
Câu hỏi đặt ra là: Trường nào có chất lượng đào tạo uy tín và mức học phí phù hợp với điều kiện gia đình? Nhiều người cũng thắc mắc nên học ngành nào dễ xin việc. Nhưng theo cô Thuỷ, điều quan trọng hơn là ngành nào phù hợp với sở trường của mỗi thí sinh. Không thể nói chung rằng công lập tốt hơn hay dân lập vượt trội - mô hình nào cũng có trường mạnh, trường yếu. Chạy theo ngành “hot” đôi khi không bền, vì thị trường lao động thay đổi nhanh, có ngành hôm nay được chuộng nhưng vài năm tới lại dư thừa. Vì vậy, học sinh nên chọn ngành mình học giỏi, đam mê và nếu không thiên về đại học thì học nghề cũng là hướng đi tốt.
“Không nên đánh đồng học phí với chất lượng. Quan trọng là chọn môi trường có chất lượng đào tạo tốt, phù hợp với năng lực, điều kiện tài chính và định hướng nghề nghiệp của bản thân”, cô Thanh Thủy chia sẻ.
https://laodong.vn/giao-duc/si-tu-loay-hoay-chot-nguyen-vong-sau-ky-thi-tot-nghiep-thpt-1536212.ldo
THANH LÂM (báo lao động)