Thời sự
Cập nhật lúc 11:23 17/04/2025 (GMT+7)
Quy định kiểm tra, thanh tra của cấp tỉnh với cấp xã khi bỏ cấp huyện

UBND cấp tỉnh thực hiện quyền kiểm tra, thanh tra hành chính đối với cấp xã, đảm bảo hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hệ thống hành chính.

Quy định kiểm tra, thanh tra của cấp tỉnh với cấp xã khi bỏ cấp huyện
Cấp tỉnh đóng vai trò là cấp trực tiếp chỉ đạo và quản lý, điều hành các hoạt động của cấp xã, trong đó có quyền kiểm tra, thanh tra. Ảnh minh họa: Hanoi.gov.vn

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 759/QĐ-TTg phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, trong đó nêu rõ về mối quan hệ công tác giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã.

Theo đề án, trong mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, cấp tỉnh đóng vai trò là cấp trực tiếp chỉ đạo và quản lý, điều hành các hoạt động của cấp xã trên địa bàn cấp tỉnh.

Cấp tỉnh có thẩm quyền ban hành các nghị quyết, quyết định, chỉ thị để chỉ đạo, hướng dẫn, điều hành và kiểm tra việc thực hiện đối với cấp xã, đảm bảo các hoạt động của chính quyền địa phương cấp xã phải thống nhất với các chủ trương, chính sách của chính quyền Trung ương và các nghị quyết, quyết định của HĐND và UBND cấp tỉnh.

Chính quyền địa phương cấp tỉnh kiểm tra, giám sát đối với chính quyền địa phương cấp xã thông qua việc HĐND cấp tỉnh thực hiện quyền giám sát việc thi hành Hiến pháp, pháp luật tại địa phương, giám sát hoạt động của UBND cùng cấp và cấp xã theo quy định của pháp luật.

UBND cấp tỉnh thực hiện quyền kiểm tra, thanh tra hành chính đối với chính quyền địa phương cấp xã, đảm bảo hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hệ thống hành chính.

Việc kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực của chính quyền địa phương cấp tỉnh còn được thực hiện thông qua công tác nhân sự.

Theo đó, Thường trực HĐND cấp tỉnh thực hiện việc phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND cấp xã; Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm và quyết định điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã.

Thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực của chính quyền cấp tỉnh đối với việc thực hiện pháp luật, chính sách và các nhiệm vụ được giao của chính quyền cấp xã sẽ đảm bảo hoạt động của cấp xã đi đúng hướng và hiệu quả.

Chính quyền cấp tỉnh thực hiện việc phân cấp, ủy quyền các nhiệm vụ quản lý nhà nước cho chính quyền cấp xã nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp xã trong quản lý, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 đã có một chương riêng về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền của chính quyền địa phương các cấp phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.

Chính quyền địa phương cấp xã là cấp thực hiện chính sách có sự độc lập tương đối trong việc quyết định các vấn đề của địa phương phù hợp với chính sách, thể chế của Trung ương và chính quyền địa phương cấp tỉnh.

Đồng thời thực hiện quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội ở địa phương theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước chính quyền địa phương cấp tỉnh.

Chính quyền địa phương cấp xã phải thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo Hiến pháp, luật và các văn bản của cơ quan nhà nước ở trung ương và các văn bản của chính quyền địa phương cấp tỉnh.

Chịu trách nhiệm trước chính quyền địa phương cấp tỉnh về kết quả hoạt động của mình, chịu sự giám sát, kiểm tra của chính quyền địa phương cấp tỉnh và có thể bị áp dụng các chế tài như đình chỉ, bãi bỏ văn bản trái pháp luật, bị giải tán nếu vi phạm pháp luật, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

https://laodong.vn/thoi-su/quy-dinh-kiem-tra-thanh-tra-cua-cap-tinh-voi-cap-xa-khi-bo-cap-huyen-1492375.ldo

PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: