Quảng Trị huy động nhiều nguồn lực để xóa nhà dột nát
Nhu cầu xóa nhà tạm, dột nát tại tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới là gần 9.000 căn nhà. Trong điều kiện nguồn lực của địa phương có hạn, tỉnh cần sự huy động xã hội hóa kết hợp với nguồn lực Nhà nước để thực hiện.
Tết ấm trong căn nhà mới
Gần đến Tết Nguyên đán, thời tiết ở huyện Đakrông mưa lạnh kéo dài, nhưng gia đình ông Hồ Văn Tưa (thôn Đồng Đờng, xã Mò Ó, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) lại ấm cúng trong ngôi nhà mới. Ông Tưa kể, mới mấy tháng trước, cả gia đình ông ở trong ngôi nhà sàn bằng gỗ đã xuống cấp. Lúc trời mưa thì dột, nắng thì nóng bức, còn gió bão thì nơm nớp lo bị sập.
Biết rõ tình trạng ngôi nhà, bao lần dự định sẽ dựng lại, nhưng hoàn cảnh gia đình ông khó khăn, nên chưa có tiền để mua các loại vật liệu, đành ở tạm năm này sang năm khác.
Biết hoàn cảnh của ông Tưa, nên UBND huyện Đakrông đã lên kế hoạch hỗ trợ xây dựng nhà cho gia đình. Từ 40 triệu đồng là nguồn vốn trung ương hỗ trợ và 50 triệu đồng do Bộ Công an hỗ trợ, các đơn vị đã phối hợp xây dựng căn nhà trị giá 90 triệu đồng theo mẫu nhà lắp ghép 36B của Bộ Công an.
Căn nhà hoàn thành với tiêu chuẩn nhà “3 cứng”, gồm nền cứng, khung-tường cứng, mái cứng và “2 ổn định” là đất ổn định, nơi ở ổn định. Gia đình ông Tưa là người đồng bào thiểu số, để phù hợp với phong tục tập quán, nên thiết kế được điều chỉnh lại.
“Ngôi nhà được lắp ráp rất nhanh, giờ cả gia đình đã có nơi ở ổn định, nắng mưa không phải lo nữa, chỉ lo làm nương làm rẫy để thoát đói nghèo” - ông Hồ Văn Tưa cho hay.
Ngoài gia đình ông Tưa, dịp này có thêm 149 gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu là đồng bào thiểu số ở huyện Đakrông được tặng nhà mới, mỗi ngôi nhà trị giá 90 triệu đồng. Những ngôi nhà mới được bàn giao cho các hộ dân trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, giúp gia đình nào cũng có nơi ở ổn định, ấm vào trước thềm đón năm mới.
Huy động xã hội hóa
Huyện Đakrông là địa phương khó khăn nhất ở tỉnh Quảng Trị, tổng số hộ có nhu cầu nhà ở theo Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển Kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi là 2.148 hộ.
Tổng số vốn cần có để thực hiện hơn 193,1 tỉ đồng, nhưng nguồn vốn từ ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương chỉ hơn 87 tỉ đồng.
Ông Lê Đại Lợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết, đến nay số hộ đã được triển khai xây mới nhà ở là 1.486/1.827 hộ và có 251/321 hộ được triển khai sửa chữa nhà ở. Trong lúc nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương có hạn, thì UBND huyện Đakrông phải huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp khác mới có thể đạt được mục tiêu đề ra.
Tại Quảng Trị, nhu cầu xóa nhà ở tạm, dột nát trong thời gian tới là 8.824 hộ, trong đó xây mới 4.419 nhà, sửa chữa 4.405 nhà. Phấn đấu đến tháng 8.2025, Quảng Trị hoàn thành thêm 2.880 nhà ở, nâng tổng số lượng nhà ở hộ nghèo xây dựng hoàn thành giai đoạn 2022 - 2025 lên 4.470 nhà, vượt mục tiêu đăng ký với trung ương là 4.200 nhà.
Ông Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - cho hay, để thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Quảng Trị; ban hành kế hoạch thực hiện chương trình và nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Trị đổi mới phương pháp, cách làm theo hướng đa dạng hóa nguồn lực, bao gồm nguồn lực được hỗ trợ từ trung ương, địa phương, nguồn lực công sức huy động, giúp đỡ từ cộng đồng cơ sở trên tinh thần “ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều” và nguồn lực cố gắng từ chính các hộ gia đình.
https://laodong.vn/xa-hoi/quang-tri-huy-dong-nhieu-nguon-luc-de-xoa-nha-dot-nat-1451607.ldo
HƯNG THƠ (BÁO LAO ĐỘNG)