Phát triển xe buýt xanh để cải thiện chất lượng môi trường
Hà Nội - Việc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đưa vào khai thác 3 tuyến xe buýt điện ngày 17.1 là điều tất yếu để giảm ô nhiễm đô thị.
Theo ông Nguyễn Thành Nam - Tổng Giám đốc Transerco, việc đưa 3 tuyến buýt với tổng số 46 xe buýt điện (gồm 35 xe trung bình và 11 xe cỡ nhỏ) vào hoạt động là tiền đề để Transerco triển khai các bước tiếp theo trong kế hoạch chuyển đổi phương tiện, góp sức vào công cuộc chuyển đổi xanh và chuyển đổi số của thành phố.
Để hạn chế ô nhiễm khí thải, UBND TP Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó thành phố đang tập trung chỉ đạo để phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng sử dụng năng lượng xanh, phấn đấu đến năm 2030 cơ bản các phương tiện xe buýt của TP Hà Nội sẽ chuyển sang sử dụng năng lượng xanh hoặc năng lượng sạch.
Để đẩy nhanh việc chuyển đổi phương tiện xe buýt sử dụng năng lượng xanh, sạch theo đúng đề án, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Giao thông vận tải tiếp tục chủ trì, phối hợp, tham mưu UBND TP Hà Nội sớm trình HĐND TP Hà Nội ban hành cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch cũng như đầu tư hệ thống hạ tầng, trạm sạc đồng bộ.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Nguyễn Thiết Lập - giảng viên Bộ môn Khoa Cơ khí ôtô, Khoa Cơ khí, Trường Đại học Giao thông Vận tải - cho rằng việc TP Hà Nội triển khai xe buýt điện phục vụ người dân là rất hợp lý. Ngoài việc giảm khí thải ra môi trường, xe buýt điện còn mang lại tiện nghi cho hành khách và sự thuận tiện cho lái xe. Hỗ trợ cho người lái xe giảm áp lực khi lưu thông trên đường phố đông đúc, do đó sau thí điểm, TP Hà Nội cần đẩy nhanh phát triển xe buýt điện theo chủ trương đã đề ra.
“Tại khu vực nội đô nên sử dụng xe buýt điện, thay cho động cơ đốt trong để giảm ô nhiễm môi trường”, TS Nguyễn Thiết Lập cho hay.
Trước đó, ngày 8.1 tại Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 và triển khai kế hoạch công tác năm 2025 của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã chỉ đạo Transerco cần có giải pháp đồng bộ, rà soát luồng tuyến, cắt giảm bổ sung tuyến buýt, thực hiện chuyển đổi xanh hóa xe buýt theo đúng lộ trình TP Hà Nội đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng sạch vào năm 2030.
Cũng theo ông Quyền, TP Hà Nội đã yêu cầu Quỹ đầu tư phát triển Hà Nội để hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện buýt điện. Theo đó, quỹ phải xây dựng bộ hồ sơ, đẩy nhanh thủ tục để có thể giải ngân sớm cho các đơn vị đồng thời giao sở giao thông vận tải và tài chính hoàn thiện các bước để trình Hội đồng Nhân dân trong kỳ họp gần nhất trong năm nay. Tinh thần chuyển đổi xanh là ưu tiên chuyển sang xe buýt điện thay vì sử dụng khí thiên nhiên, nhằm giảm phát thải tối đa.
Theo TS Khương Kim Tạo - nguyên Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, việc triển khai 3 tuyến xe buýt chạy điện đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp và đặc biệt là giảm lượng khí phát thải.
Cũng theo ông Tạo, Hà Nội cần đẩy nhanh việc triển khai xe buýt chạy điện thay xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Khi nâng cao được chất lượng xe buýt sẽ giải quyết được chất lượng môi trường, chất lượng phục vụ thu hút được người dân tham gia, sẽ kéo giảm được ô nhiễm và ách tắc giao thông.
“Để thực hiện giao thông xanh, từng bước thay thế xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch tại nội đô (vùng phát thải thấp) là điều tất yếu. Nếu chưa thể phát triển 100% xe buýt chạy điện, thì cũng phải sử dụng các dòng xe phát thải thấp”, TS Khương Kim Tạo nhấn mạnh.
https://laodong.vn/xa-hoi/phat-trien-xe-buyt-xanh-de-cai-thien-chat-luong-moi-truong-1451490.ldo
MINH HẠNH (BÁO LAO ĐỘNG)