Nhiều người hiểu nhầm quy định mới về dạy thêm tiểu học
Những quy định mới về dạy thêm, học thêm tiểu học chưa rõ ràng, khiến nhiều trung tâm dạy thêm, sinh viên làm gia sư lo lắng.
Điều kiện sinh viên làm gia sư, dạy thêm hợp lệ. Ảnh: Vân Trang.
Tạm dừng dạy thêm tiểu học để "nghe ngóng" thêm
Hai ngày trước khi Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT chính thức có hiệu lực, nhiều giáo viên, phụ huynh và sinh viên làm gia sư băn khoăn liệu quy định mới có dừng dạy thêm hoàn toàn hay không. Đặc biệt, một số trung tâm gia sư đã tạm dừng các lớp tiểu học do lo ngại vi phạm quy định.
Ghi nhận tại một số trung tâm gia sư trên quận Cầu Giấy, Hà Nội, nhân viên tư vấn trung tâm cho biết: "Những ngày qua, chúng tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi từ phụ huynh. Nhưng hiện tại, trung tâm đã tạm dừng nhận học sinh tiểu học và chờ hướng dẫn cụ thể sau ngày 14.2."
Một số sinh viên dạy thông qua trung tâm gia sư gặp khó khăn khi bị dừng giữa chừng. Bạn Minh Anh, sinh viên Đại học Ngoại thương cho biết: "Trước đây mình nhận lớp thông qua một trung tâm, nhưng gần đây trung tâm tạm dừng nhận lớp tiểu học. Họ bảo dừng đến khi có hướng dẫn cụ thể".
Dạy thêm tiểu học có điều kiện
Tại Điều 4 của Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT về các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm, có quy định: "Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống".
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng quy định này có thể gây hiểu lầm, khiến nhiều người nghĩ rằng học sinh tiểu học không được phép học thêm. Chuyên gia pháp lý khẳng định: "Thông tư số 29 quy định về dạy thêm kèm theo điều kiện".
Theo luật sư Bùi Đình Ứng, quy định trên không cấm học sinh tiểu học học thêm. Phụ huynh vẫn có thể tìm gia sư tự do dạy kèm tại nhà nếu có nhu cầu.
Ông Ứng nhận định: "Việc thuê gia sư là thỏa thuận dân sự giữa phụ huynh và người dạy, không bị điều chỉnh bởi Thông tư 29. Các bậc phụ huynh cảm thấy con mình yếu môn nào, cần bồi dưỡng thêm, sẽ lựa chọn hình thức phù hợp".
Chị Nguyễn Thu Hà (Hoàng Mai, Hà Nội), phụ huynh có con đang học lớp 3 chia sẻ: "Tôi rất lo lắng vì con học trên lớp không theo kịp chương trình, nhất là môn Toán. Trước đây tôi có thuê gia sư là sinh viên về nhà dạy kèm, nhưng bây giờ không biết như vậy có vi phạm quy định không?".
Tuy nhiên, khi phóng viên trao chia sẻ thông tin từ chuyên gia pháp lý đến các phụ huynh tự thuê gia sư tự do tại nhà, nhiều phụ huynh đã yên tâm hơn.
Anh Trần Minh Quang (Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ: "Nếu thuê gia sư là sinh viên, gia sư tự do kèm cho con mà không vi phạm thì tôi thấy hợp lý. Trên thực tế, không phải học sinh nào cũng học tốt ở lớp, có những bạn cần bồi dưỡng, bổ trợ thêm. Các bạn sinh viên làm gia sư tôi thấy khá tốt, các bạn hiểu tâm lý và đảm bảo được chất lượng cho con mình".
Gia sư là sinh viên vẫn có thể dạy thêm tiểu học
Bạn Nguyễn Anh Thư (22 tuổi), sinh viên năm cuối chuyên ngành Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Hải Phòng, chia sẻ nỗi lo: "Mình dạy gia sư Toán và Văn cho 2 bé lớp 4 tại nhà. Khi nghe thông tin về Thông tư 29, mình khá lo lắng không biết có ảnh hưởng hay không. Đây cũng là công việc tạo ra thu nhập chính, là chuyên ngành chính mình theo học trường".
Đối với sinh viên nhận dạy gia sư tại nhà không thông qua các tổ chức, trung tâm, Luật sư Bùi Đình Ứng nhấn mạnh: "Thông tư 29 chủ yếu điều chỉnh giáo viên, không áp dụng với sinh viên làm gia sư tự do. Họ chỉ là những người được các gia đình mời về dạy thêm theo nhu cầu, không phải là đối tượng chịu sự điều chỉnh của Thông tư".
Bàn luận về trường hợp sinh viên đăng ký gia sư tại các trung tâm, Luật sư Bùi Đình Ứng nhận định: "Đối với các bạn sinh viên thực hiện công tác gia sư khối tiểu học tại các trung tâm, các tổ chức kinh doanh thì các trung tâm đó cần xem xét, điều chỉnh theo đúng quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo".
https://laodong.vn/giao-duc/nhieu-nguoi-hieu-nham-quy-dinh-moi-ve-day-them-tieu-hoc-1461975.ldo
THANH BÌNH (BÁO LAO ĐỘNG)