Người ứng cử, được bầu cử trong cơ quan nhà nước chỉ có một quốc tịch Việt Nam
Người ứng cử, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm... trong cơ quan Nhà nước phải là người chỉ có một quốc tịch Việt Nam và phải thường trú tại Việt Nam.
Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết bằng hệ thống điện tử tại Kỳ họp thứ 9. Ảnh: Phạm Đông
Sáng 24.6, với 416/416 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, qua các phiên thảo luận tổ và hội trường cho thấy, hầu hết ý kiến tán thành với việc xây dựng luật để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, bất cập của Luật Quốc tịch Việt Nam hiện hành, góp phần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Các chính sách trong dự thảo luật cũng sẽ góp phần tạo ra lợi thế cạnh tranh giữa Việt Nam với các quốc gia khác trong việc thu hút lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao.
Luật Quốc tịch hiện hành quy định người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải đáp ứng nhiều điều kiện chặt chẽ. Dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài… được nhập quốc tịch Việt Nam với điều kiện thông thoáng nhằm thu hút nguồn lực chất lượng cao.
Theo đó, người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi xin nhập quốc tịch Việt Nam được miễn các điều kiện quy định tại điểm c, d, đ, e khoản 1 Điều 19.
Đồng thời, các trường hợp này được giữ quốc tịch nước ngoài nếu đáp ứng 2 điều kiện tương tự trường hợp có người thân thích là công dân Việt Nam và được Chủ tịch nước cho phép. Các trường hợp này được nộp hồ sơ tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nếu cư trú ở nước ngoài.
Bên cạnh việc kế thừa các quy định tại Nghị định 16/2020/NĐ-CP, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa “cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch” nêu trong Nghị quyết số 57-NQ/TW để phù hợp tình hình mới tại Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nêu rõ việc nới lỏng quy định nhập quốc tịch Việt Nam. Ảnh: Phạm Đông
Về mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, Điều 5 của luật quy định: Người ứng cử, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm, chỉ định giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, địa phương; người làm việc trong tổ chức cơ yếu; người tham gia lực lượng vũ trang của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải là người chỉ có một quốc tịch Việt Nam và phải thường trú tại Việt Nam.
Công chức, viên chức không thuộc quy định như trên phải là người chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp có lợi cho Nhà nước Việt Nam, không làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam và phải thường trú tại Việt Nam. Chính phủ quy định chi tiết khoản này.
Trường hợp luật khác ban hành trước ngày luật này có hiệu lực thi hành có quy định về quốc tịch khác với quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều này thì áp dụng quy định của luật này.
Trường hợp luật khác ban hành sau ngày luật này có hiệu lực thi hành mà có quy định về quốc tịch khác với quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều này thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện quy định này, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó.
https://laodong.vn/thoi-su/nguoi-ung-cu-duoc-bau-cu-trong-co-quan-nha-nuoc-chi-co-mot-quoc-tich-viet-nam-1528879.ldo
PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)