Ngày đầu thi hành Quyết định quản lý chất thải ở Cần Thơ
Cần Thơ - Quyết định về việc ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa,... tại thành phố có hiệu lực thi hành từ ngày 6.1.2025.
Theo Quyết định, đối với phân loại chất thải rắn sinh hoạt, hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thành chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải khác.
Về nguyên tắc quản lý chất thải rắn sinh hoạt, mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quy định vệ sinh môi trường, phân loại chất thải tại nguồn,…
Ghi nhận thực tế của phóng viên vào ngày đầu thi hành quyết định (6.1), trong khuôn viên Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận Ninh Kiều (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), đơn vị có thực hiện bố trí 6 cụm phân loại chất thải tại nguồn, được đặt dưới sân và trên các tầng học.
Trong đó, mỗi cụm đều có 2 thùng rác dành để phân loại chất thải rắn tái chế được và chất thải không tái chế được.
Đối với thùng chứa chất thải rắn tái chế được, bao gồm giấy các loại (tạp chí, giấy, sách vở cũ, thùng, bài carton, hóa đơn, giấy vụn khác…), nhựa các loại (chai, bình, ống, can, hợp, khay đựng, các vật dụng bằng nhựa có ký hiệu PET, PP…) và kim loại các loại (vỏ lon nhôm, sắt,...).
Còn với thùng chứa chất thải không tái chế được, bao gồm chất thải thực phẩm (thức ăn, thực phẩm hết hạn sử dụng, rau củ quả thải bỏ…) và chất thải rắn khác (khăn giấy, khăn ướt, khẩu trang, vỏ bánh kẹo, gốm sứ vỡ, vải vóc cũ rách…).
Trao đổi với Lao Động, ông Võ Anh Tuấn – Giám đốc Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận Ninh Kiều – thông tin, mô hình phân loại chất thải do Chi đoàn Nhà Văn hóa thiếu nhi quận thực hiện từ ngày 5.1.2025, chủ yếu nhằm tuyên truyền, giáo dục cho các em thiếu nhi biết giữ gìn vệ sinh, có ý thức bảo vệ môi trường.
“Mô hình cũng tuyên truyền cho các phụ huynh và khoảng 20 hộ dân đang kinh doanh, buôn bán xung quanh khuôn viên Nhà Văn hóa, đồng hành cùng các em thiếu nhi thực hiện phân loại chất thải tại nguồn”, ông Tuấn cho hay.
Theo ông Tuấn, sau khi phân loại chất thải tại nguồn, những loại chất thải rắn như chai nhựa, giấy... sẽ được bán để lấy kinh phí góp cho Chi đoàn làm công tác hỗ trợ sơn sửa lại sân chơi, dụng cụ vui chơi cho các em thiếu nhi của một số phường.
Còn tại một số hộ kinh doanh, buôn bán trên địa bàn quận Ninh Kiều, quan sát thấy, dù có bố trí các thùng nhưng người dân không thực hiện phân loại chất thải theo từng thùng. Hầu hết mọi người đều gộp chung các loại chất thải với nhau, chưa đồng bộ trong thực hiện Quyết định.
Ghi nhận thêm tại các điểm khác trên địa bàn, một số hộ dân chia sẻ, hiện nay việc thực hiện phân loại chất thải tại nguồn vẫn còn những bất cập, vướng mắc.
Chị Tuyết Mai (phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều) cho biết, gia đình chị và một số hộ gia đình cùng dãy với nhà chị cũng chưa quen với việc thực hiện phân loại chất thải tại nguồn. Hơn nữa, phía trước dãy nhà cũng không có đủ các thùng rác phân loại theo quy định.
“Trước đó, có thời điểm chúng tôi cũng phân loại chất thải tại nguồn bằng các thùng xốp, nhưng khi công nhân đến thu gom rác lại gộp chung lẫn lộn với nhau, thấy cách làm này không khả thi nên chúng tôi lại quay về cách làm cũ”, chị Mai nói thêm.
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 45/2022 có hiệu lực từ ngày 1.1.2025, người dân phải phân loại rác tại nguồn thành các nhóm: rác tái sử dụng, tái chế; rác thực phẩm; rác sinh hoạt khác. Việc không thực hiện sẽ bị phạt từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng.
https://laodong.vn/moi-truong/ngay-dau-thi-hanh-quyet-dinh-quan-ly-chat-thai-o-can-tho-1446040.ldo
YẾN PHƯƠNG (BÁO LAO ĐỘNG)