Thủ tướng Chính phủ đề nghị các ngân hàng hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp.
Toàn cảnh Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại vào ngày 11.2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những chỉ đạo rất nổi bật liên quan đến việc chia sẻ lợi nhuận để khơi thông dòng chảy kinh tế.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, các ngân hàng hoạt động kinh doanh phải có lãi nhưng ngoài lợi nhuận thì phải mang lại lợi ích chung cho đất nước, bởi "nước nổi thì bèo nổi".
Vậy nên Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các ngân hàng hy sinh một phần lợi nhuận của mình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đang gặp khó khăn.
Đây là một đề nghị rất hợp lý, nhất là khi quan hệ giữa ngân hàng - doanh nghiệp - người dân có tính cộng sinh. Nếu số đông doanh nghiệp phá sản, người lao động thất nghiệp, sức mua giảm sút nghiêm trọng, rốt cuộc hệ thống ngân hàng cũng khó tránh khỏi những tổn thất về nợ xấu hay mất mát nguồn thu.
Thống kê cho thấy, năm 2024 có tới 8 ngân hàng đạt mức lợi nhuận trên 10.000 tỉ đồng, trong đó có ngân hàng chạm mức kỷ lục 42.000 tỉ đồng.
Trong khi đó, chỉ riêng tháng 1 năm 2025, cả nước đã có hơn 52.800 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh (tương đương 1/4 tổng số doanh nghiệp ngừng hoạt động cả năm 2024).
Những con số trái ngược này cho thấy bức tranh kinh tế - tài chính đang cần những giải pháp thấu tình đạt lý hơn, nhằm giảm thiểu khoảng cách giữa khu vực ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp, người lao động.
Trong chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính còn đề nghị Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại tiếp tục nghiên cứu những gói tín dụng ưu đãi cho cả cung lẫn cầu, trong đó đặc biệt nhấn mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà cho người trẻ dưới 35 tuổi và đối tượng khó khăn.
Với tình trạng nhà tạm, nhà dột nát vẫn còn nhiều, sự tham gia chủ động của các ngân hàng trong việc bơm vốn, hỗ trợ lãi suất sẽ góp phần mang lại diện mạo mới cho an sinh xã hội, đồng thời kích thích thị trường bất động sản và các ngành liên quan.
Quan điểm “nước nổi thì bèo nổi” của Thủ tướng Chính phủ với các ngân hàng thương mại cũng là triết lý phát triển bền vững. Khi ngân hàng sẵn sàng chia sẻ với doanh nghiệp, người lao động, đồng nghĩa với việc tạo thêm cơ hội giữ cho dòng tiền luân chuyển thuận lợi.
Từ đó, các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, doanh nghiệp có thêm lợi nhuận và lại tiếp tục hoàn trả gốc, lãi cho ngân hàng. Vòng quay này không chỉ đảm bảo lợi ích riêng cho ngân hàng hay doanh nghiệp, mà còn mang lại giá trị chung cho toàn xã hội.
Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, kết hợp với tinh thần “hy sinh” vì mục tiêu chung, sẽ giúp khơi thông những điểm nghẽn, tạo động lực cho nền kinh tế.
Lợi nhuận đối với ngân hàng tất nhiên là quan trọng, song lợi nhuận ấy cần song hành cùng trách nhiệm xã hội, để tạo ra một môi trường kinh doanh bền vững và công bằng hơn, nơi người dân và doanh nghiệp cảm nhận được sự đồng hành thực chất của hệ thống ngân hàng.
Chỉ khi ấy, mối quan hệ “cộng sinh” giữa ngân hàng - doanh nghiệp - người dân mới thật sự phát huy hiệu quả, đưa đất nước tiến nhanh và xa hơn trên con đường phát triển.